Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
27 C
Hanoi
Thứ sáu, 22/11/2024, 16:16

Phòng chống ma túy từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở

Theo Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách để ngăn chặn những hệ lụy nghiêm trọng của ma túy đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của đất nước.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, chiều 13/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy (PCMT) đến năm 2030.

Giảm cung- giảm cầu, giảm thiểu những hệ luỵ của ma tuý

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các nhiệm vụ được thiết kế trong chương trình, đang ưu tiên đầu tư trực tiếp cho cơ sở để làm tốt công tác PCMT từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở.

ltq1.jpeg
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.

Bộ trưởng cũng khẳng định nhiệm vụ bao trùm của chương trình là giảm cung- giảm cầu để góp phần mang lại bình yên, giảm thiểu những hệ luỵ của ma tuý.

Về ý kiến lo ngại chỉ tiêu đặt ra trong mục tiêu của chương trình khó khả thi, Bộ trưởng cho biết, quá trình xây dựng, đã nghiên cứu, phân tích, đồng thời đánh giá rất kỹ lưỡng các mục tiêu trên cơ sở thực tiễn đấu tranh phòng chống ma tuý.

Bộ trưởng nêu ví dụ về chỉ tiêu triệt phá các điểm, tụ điểm nguy cơ đối tượng bán lẻ ma tuý phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%. Đây cũng là chỉ tiêu mà Bộ Công an đang chỉ đạo và giao cho Công an các đơn vị, địa phương thực hiện. Khi phát hiện có điểm, tụ điểm nguy cơ về ma túy thì phải triệt phá bằng được trong thời gian 90 ngày. Đây là chỉ tiêu bắt buộc.

thachphuocbinh.jpeg
Đại biểu Thạch Phước Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Ngoài ra, các chỉ tiêu khác như chỉ tiêu 90% người nghiện ma tuý, sử dụng trái phép ma tuý sau cai nghiện được hỗ trợ can thiệp về y tế và tâm lý; chỉ tiêu 100% cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện “cũng hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được”.

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách để ngăn chặn những hệ lụy nghiêm trọng của ma túy đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của đất nước.

Các mục tiêu cần phù hợp với nguồn lực, khả thi

Trước đó, cho ý kiến về Chương trình, Đại biểu Thạch Phước Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh băn khoăn với chỉ tiêu giảm cung về ma túy trong Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đại biểu, chương trình đặt mục tiêu tăng 30% số vụ phạm tội ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới, tuyến đường biển, đường hàng không, “đòi hỏi các lực lượng phải có công nghệ, tài nguyên và chiến lược hiệu quả. Do đó nếu không cải tiến kỹ thuật, kỹ năng cho lực lượng chức năng thì việc đạt chỉ tiêu này rất khó khăn”.

tamhung.jpeg
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Về phấn đấu phát hiện, triệt phá 100% các điểm phức tạp về ma túy và các đối tượng bán lẻ. Theo đại biểu, “mục tiêu này quá cao và có thể khó đạt được”. Đặc biệt, trong bối cảnh các điểm, các đối tượng ma túy ngày càng tinh vi, dễ di chuyển mà tỉ lệ đặt ra 100% là khó đạt được trừ khi có sự phối hợp thật tốt, chặt chẽ liên ngành, hiệu quả.

Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, chỉ tiêu 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá “chưa bảo đảm giảm cung”. Theo đạo biểu, việc đặt ra chỉ tiêu mà không có sự bảo đảm về điều kiện thực hiện có thể làm giảm hiệu quả của chương trình. Qua đó đại biểu đề nghị Chính phủ đặt ra các mục tiêu cần phù hợp với nguồn lực và khả năng thực thi.

“Hiện các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu nhiều cơ sở hạ tầng để triển khai các biện pháp cai nghiện hiệu quả. Họ chưa có đội ngũ tiếp nhận và tư vấn cai nghiện đạt chuẩn theo quy định”, đại biểu Tâm Hùng nhấn mạnh.

Theo Congly.vn

Mới nhất

Hạn chế ô nhiễm tiếng ồn: Cần ý thức tự giác của mỗi cá nhân

Ô nhiễm tiếng ồn không phải là vấn đề mới, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Đã đến lúc các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về mối nguy hại từ tiếng ồn và có biện pháp xử lý hiệu quả hơn, để cộng đồng có một môi trường âm thanh "trong lành" hơn.

Tin liên quan