Kinhtedothi-Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển cây sâm Ngọc Linh thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, sản phẩm chủ lực và mang thương hiệu quốc gia.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Nghị quyết hướng đến mục tiêu sớm đưa sâm Ngọc Linh thành cây trồng mũi nhọn, dẫn dắt nhiều ngành kinh tế khác, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh và vươn tầm thế giới.
Quảng Nam định hướng đến năm 2030 phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My và các vùng di thực khác trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 8.400ha để cung cấp nguồn nguyên liệu cho trung tâm công nghiệp dược liệu và phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Mỗi năm khai thác khoảng 300 – 350ha, với tổng sản lượng đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên/năm. Đồng thời xây dựng các khu bảo tồn nguyên vị và vườn sưu tập nguồn gen cây sâm Ngọc Linh tại các vùng sinh thái điển hình.
Nâng cấp hai khu vực bảo tồn nguồn giống gốc sâm Ngọc Linh tại Trạm Dược liệu Trà Linh và Trại Sâm Tắk-Ngo có quy mô sản xuất đạt từ 300.000 – 500.000 cây giống/năm để sản xuất, cung ứng nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định. Hình thành từ 30 – 50 vườn sâm Ngọc Linh có quy mô lớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp; sản xuất từ 5 – 10 triệu cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi/năm, kể cả nguồn cây giống do hai đơn vị bảo tồn sản xuất.
Đến năm 2035, Quảng Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh; ổn định vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP-WHO (khoảng 35 – 40% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO). Phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Quảng Nam còn đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như rà soát, triển khai thực hiện tốt quy hoạch, đề án, dự án hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư hạ tầng vùng sâm Ngọc Linh.
Cần tập trung hợp tác và hội nhập quốc tế về phát triển và quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về quản lý, bảo tồn và phát triển; hình thành công nghiệp dược liệu, công nghiệp sâm.
Trên địa bàn Quảng Nam hiện có tổng diện tích trồng cây dược liệu hơn 8.602,9ha, phân bố ở hầu hết các huyện. Trong đó, có 9 loài cây dược liệu được trồng chính với diện tích khá lớn như sâm Ngọc Linh, quế, ba kích, sa nhân, đảng sâm, giảo cổ lam, gừng, nghệ, đinh lăng… Riêng sâm Ngọc Linh có diện tích trồng khoảng 1.243ha.
Huyện Nam Trà My đang triển khai trồng sâm Ngọc Linh tại 7 xã thuộc vùng quy hoạch. Hiện đã có hơn 1.500 hộ dân đăng ký trồng sâm với tổng diện tích hơn 1.650ha. Huyện đã thu hút được 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích đăng ký gần 342ha. Năm 2023, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ 103.333 cây sâm Ngọc Linh giống 1 tuổi cho 1.695 hộ dân. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá sâm Ngọc Linh thông qua phiên chợ hàng tháng, sàn giao dịch thương mại điện tử và hoạt động du lịch.
Theo kinhtedothi.vn