Kinhtedothi- Dẫu không còn nhiều hộ sản xuất như thời hưng thịnh, nhưng những sản phẩm từ các làng nghề sản xuất bánh truyền thống ở Quảng Ngãi vẫn được duy trì và có vị trí khó thay thế trên thị trường.
Từ đầu tháng 11 Âm lịch, cơ sở sản xuất bánh mì xốp của gia đình ông Phan Văn Dũng ở thôn An Hà 1, xã Nghĩa Trung (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) trở nên bận rộn, hối hả hơn hẳn bởi thành phẩm mỗi ngày làm ra tăng gấp 3 so với thời điểm trước đó.
Bánh mì xốp là một trong những thức bánh truyền thống của Quảng Ngãi, được làm từ bột mì, bơ, sữa, trứng gà, nước cốt dừa, mè… Nhiều người ưa chuộng loại bánh này bởi tính xốp, mềm đặc trưng, kèm theo đó là hương thơm và vị ngọt dễ chịu.
“Cái giỏi của người thợ làm bánh là trộn bột theo tỷ lệ sao cho bột không nhão hay khô cứng. Sau đó, cho bột đã trộn vào khuôn tạo hình, rắc vừng rồi nướng. Đơn giản vậy, nhưng phải “có nghề” thì bánh mới không vỡ vụn, có mùi thơm, ngọt thanh”- ông Dũng chia sẻ.
Xã Nghĩa Trung từ lâu được biết đến là làng nghề chuyên sản xuất các loại bánh truyền thống, không những phục vụ trong tỉnh mà còn được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành khác. Ngoài bánh mì xốp, nơi này còn có những lò sản xuất bánh nổ, tiêu biểu như cơ sở bánh nổ của gia đình bà Võ Thị Bích Thủy.
Bánh nổ từ cơ sở bà Thủy vừa được UBND huyện Tư Nghĩa công nhận đạt chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao. Nhờ đó, lượng đơn đặt hàng cũng tăng hơn so với những năm trước. Từ tháng 11 Âm lịch, cơ sở của bà đã tăng công suất gấp 5 lần để kịp cung ứng cho các đơn hàng.
Nguyên liệu làm bánh gồm có gạo nếp, đường, gừng, muối. Nếp được phơi khô, loại bỏ những hạt lép để khi rang trên bếp củi, hạt nếp nở bung lớp vỏ trấu ra ngoài, chỉ còn lại những bỏng nếp thơm, giòn, trắng.
“Dù hiện có máy móc thay cho sức lao động của người ở những công đoạn như đóng, cắt bánh nhưng người dân làm nghề vẫn muốn lưu giữ cách làm thủ công truyền thống của làng nghề”- bà Thủy cho hay.
Bà Nguyễn Thị Lượng – một trong những người làm bánh lâu năm ở xã Nghĩa Trung chia sẻ, làm bánh nổ rất nhiều công đoạn công phu, vất vả nên hiện chỉ có những người lớn tuổi còn giữ nghề.
NTrước đây, bánh nổ chỉ làm vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng nay, đời sống nhân dân khấm khá, bánh được sử dụng quanh năm nên nhiều cơ sở cũng “đỏ lửa” thường xuyên.
Theo thống kê, hiện xã Nghĩa Trung có khoảng 20 hộ chuyên làm các loại bánh truyền thống như bánh nổ, mì xốp. Để tăng công suất sản xuất, mỗi cơ sở đều cần 4 – 5 lao động thời vụ. Do vậy, đây là cơ hội cho các chị em địa phương làm việc, có thêm thu nhập mua sắm dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Với hơn 30 năm làm nghề bánh thuẫn, bà Võ Thị Ba (thôn Đông Thuận, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn) cũng đang bận rộn để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết nguyên đán.
“Bánh thuẫn được làm quanh năm, nhưng vào những ngày cận Tết nhu cầu sử dụng của khách hàng tăng lên. Để kịp đơn hàng dịp Tết, gia đình tôi phải thuê 5 nhân công làm 10-11 giờ/ngày. Bình quân mỗi ngày sản xuất ra khoảng 10.000 – 15.000 chiếc bánh”- bà Ba chia sẻ.
Một mẻ bánh thuẫn thành công là khi những chiếc bánh nở bung cánh, vàng ươm, không bị cháy khét. Để bảo quản được lâu, sau khi bánh được gỡ ra khỏi khuôn sẽ tiếp tục được sấy khô.
Trước sự phổ biến của các loại bánh, mứt công nghiệp, bánh truyền thống với hình thức, nguyên liệu mộc mạc, đơn sơ mất dần chỗ đứng. Thế nhưng, người dân Quảng Ngãi vẫn giữ nét truyền thống có từ xa xưa.
Cứ vào ngày Tết, bánh nổ, mứt gừng, bánh thuẫn… lại được trang trọng bày lên bàn thờ để cúng gia tiên, đãi khách như một nét đẹp văn hóa đã đi vào tiềm thức và khó thay thế.
Tỉnh Quảng Ngãi có 1 làng nghề, 5 làng nghề truyền thống và 7 ngành nghề truyền thống đang hối hả vào vụ Tết. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn, cũng như lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và góp phần làm cho hương vị ngày Tết thêm ấm áp, sum vầy.
Theo kinhtedothi.vn