Sau 13 năm hoạt động, giờ đây trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi) phải dừng hoạt động vì thiếu kinh phí.
Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng (nằm ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) được thành lập năm 2011. Mỗi năm có hàng trăm nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đến đây để được hỗ trợ phục hồi chức năng, có nhiều trường hợp được chăm sóc, phục hồi tốt nên đã được trở về hòa nhập cùng cộng đồng.
Tuy nhiên, ngày 29/10 vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn thông báo tạm dừng các hoạt động tại Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng kể từ ngày 1/11/2024 vì do thiếu kinh phí.
Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng Lê Văn Tiền, cho biết: Trung tâm đã phải dừng hoạt động vì thiếu kinh phí, những người đã từng gắn bó, làm việc tại trung tâm suốt 13 năm qua rất buồn nhưng không còn cách nào khác.
Theo ông Tiền, nguồn kinh phí để duy trì trung tâm từ lúc thành lập đến nay chủ yếu dựa vào sự vận động, kêu gọi tài trợ từ các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn đã cắt giảm số tiền hỗ trợ hoặc không hỗ trợ nữa, nên không có kinh phí để tiếp tục hoạt động.
“Giờ không có nguồn tiền này (tiền hỗ trợ – PV), nên dù rất muốn chăm sóc các nạn nhân, chúng tôi cũng không thể làm được. Khoảng 5 tháng gần đây, trung tâm hết kinh phí, giảm dần lượt chăm sóc và buộc lòng phải dừng hoạt động”, ông Tiền cho biết.
Cũng theo ông Tiền, ông cùng 2 nhân viên khác của trung tâm rất buồn và mong được tháo gỡ để hoạt động trở lại, có thể tiếp tục chăm lo cho các cháu. “Nghe cha mẹ các cháu bị chất độc da cam mong trung tâm mở cửa trở lại để con có chỗ hoạt động, phục hồi mà đứt ruột. Nhưng biết làm sao khi 3 người chúng tôi chỉ có thể góp công chăm sóc, lo ăn uống… còn tiền để lo cho các nạn nhân chúng tôi bất lực”, ông Tiền nói thêm.
Được biết, trước khi dừng hoạt động, trung tâm có 3 nhân viên, chăm sóc bán trú cho 15 em, trong đó có 9 trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Để đảm bảo duy trì các bữa ăn đủ dinh dưỡng cho các em, nhân viên trung tâm phải vận động tài trợ, trồng thêm rau, củ, quả… tại trung tâm này.
Chị Nguyễn Thị Thị (thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết: Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, lại không may con chị bị nhiễm chất độc da cam. Hai năm qua, cháu được trung tâm chăm sóc nên ổn hơn, chị cũng có thời gian đi làm kiếm tiền. Nhưng kể từ khi trung tâm đóng cửa ngừng hoạt động, chị rất buồn và cuộc sống bị đảo lộn.
“Từ ngày trung tâm đóng cửa, hai mẹ con tôi cũng rơi vào tình cảnh khó khăn. Ngày nào cháu cũng bảo chở lên trung tâm học mà trung tâm đóng cửa rồi, giờ tôi chỉ mong trung tâm hoạt động lại”, chị Thị chia sẻ.
Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Ngãi cũng bất lực khi phải đóng cửa trung tâm, nguồn quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh hiện không còn đủ khả năng đảm bảo hỗ trợ cho người chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tại trung tâm. Trong khi nguồn vận động mới cũng không có vì kinh tế khó khăn.
Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Thinh, cho biết: Hội cũng đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng mong được quan tâm tháo gỡ. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các nguồn lực vận động từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp để duy trì quỹ ổn định mới có thể đưa trung tâm hoạt động trở lại.
Theo Congly.vn