Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024
23 C
Hanoi
Thứ sáu, 8/11/2024, 00:36

Sau bầu cử Mỹ, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã tác động mạnh đến thị trường tài chính quốc tế. Giá vàng thế giới đã mất gần 100 USD/ounce kể từ sau thông tin ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ, trong khi đó sức khỏe đồng USD hồi phục mạnh.

Thị trường tài chính biến động mạnh

Thị trường vàng quốc tế đã bị bán tháo mạnh. Phiên 7/11, giá vàng rớt xuống 2.657 USD/ounce, vàng giao ngay vẫn đang chạy quanh vùng giá thấp nhất trong 3 tuần ở 2.661 USD/ounce.

“Kim loại quý đang phải đối mặt với thử thách quan trọng về mức hỗ trợ khi quyết định lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) làm tăng thêm rủi ro giảm giá” – theo nhà phân tích James Hyerczyk tại FX Empire.

Giá vàng và chứng khoán thường biến động mạnh sau các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh: iStock.
Giá vàng và chứng khoán thường biến động mạnh sau các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh: iStock.

Các nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng vào sự tập trung trở lại vào thuế quan và kích thích tài chính từ chính quyền Donald Trump, cả hai đều có thể đẩy đồng USD lên cao hơn. “Với đồng USD mạnh hơn và lợi suất tăng, vàng phải đối mặt với rủi ro giảm giá ngay lập tức. Kim loại quý có khả năng giảm trung bình 50 ngày xuống mức 2.636,66 USD/ounce nếu FED đưa ra tín hiệu thận trọng hơn về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai”- Hyerczyk viết.

Chuyên gia tài chính Trần Duy Phương cho biết, giá vàng luôn suy giảm sau khi có kết quả bầu cử và lần này cũng không ngoại lệ. Chính sách của ông Trump thiên về lãi suất thấp nên sẽ gây áp lực lên FED về việc cắt giảm nhanh lãi suất.

Trong nước, giá vàng SJC giảm tới 2 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán xuống 85,0-87,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trên thị trường cũng giảm khoảng 2 triệu đồng/lượng và tuột xa mốc 87 triệu đồng/lượng. Hiện Công ty SJC niêm yết loại vàng này ở mức 84,7-86,6 triệu đồng/lượng.

Chỉ số đồng USD trên thị trường thế giới đã vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 7, trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức 4,4%. Chiến thắng của ông Trump khiến nhiều chuyên gia dự báo có thể thúc đẩy lạm phát, khiến Cục dự trữ liên bang (Fed) trở nên “diều hâu” hơn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng nay 7/11 niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.258 đồng/USD, tăng 10 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá 23.045-25.470 đồng/USD.

Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.140-25.470 đồng/USD (mua – bán). Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.110-25.470 đồng (mua – bán). Giá bán USD tại các ngân hàng tăng theo điều chỉnh của cơ quan quản lý tiền tệ và vẫn ở mức kịch trần.

Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh được giao dịch tại 25.600-25.700 đồng/USD (mua – bán), giảm 180 đồng ở cả 2 chiều.

Việc nước Mỹ có tổng thống mới có tác động đáng kể lên giá vàng, giá dầu và chính sách tiền tệ của các nước.

Nhìn chung, chính sách của ông Trump là bảo hộ thương mại, cắt giảm thuế, đặc biệt cho giới siêu giàu, tập đoàn lớn… Tiền sẽ được bơm ra qua các doanh nghiệp.

Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ mạnh hơn dưới thời ông Trump. Nhưng giá dầu có thể giảm do ông Trump tính đẩy mạnh khai thác dầu khí. Ông Trump cũng luôn muốn duy trì lãi suất thấp và có nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế, do vậy đồng USD có thể sẽ không quá mạnh, vàng sẽ ổn định trở lại và tăng giá.

Các chuyên gia cũng cho rằng, ông Trump đắc cử sẽ có chính sách mạnh mẽ trong việc giảm thuế, tăng thu nhập tốt hơn cho người dân đồng nghĩa với kích thích chi tiêu nhiều. Điều này tạo ra áp lực cho lạm phát, và khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tính toán chính sách cắt giảm lãi suất.

Các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán Agriseco nhận định, các chính sách của ông Donald Trump được đánh giá sẽ làm Mỹ tăng lạm phát trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới sức mạnh đồng đô la Mỹ và nhiều hạng mục kinh tế khác trong đó bao gồm lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ thay đổi.

Sức mạnh đồng đô la Mỹ sẽ tác động lên tỉ giá USD/VND theo xu hướng tăng mạnh. NHNN Việt Nam sẽ vất vả hơn trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu ổn định lạm phát, hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Bởi vì, đối với Việt Nam, một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, tỉ giá hối đoái ổn định là yếu tố quan trọng. Nếu tiền đồng mạnh lên quá nhiều, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế, từ đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Khuyến nghị chính sách ứng phó 

Cuộc bầu cử Mỹ cũng tác động mạnh đến kinh tế các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam. Báo cáo vĩ mô mới nhất của ACBS Research về tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đến nền kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng: với Việt Nam, một nền kinh tế mở mà doanh thu thương mại chiếm 158% GDP, Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất (xuất siêu 83 tỷ USD) và Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất (nhập siêu 49 tỷ USD), thì kết quả bầu cử Mỹ cũng sẽ có tác động đáng kể.

Nếu ông Trump áp dụng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Việt Nam, các ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, săm lốp, đồ gỗ, thép sẽ chịu áp lực lớn về thuế trong ngắn hạn và khó khăn dài hạn khi nhu cầu tại thị trường Mỹ giảm. Tuy nhiên, khó khăn này có thể được bù đắp phần nào nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu từ Trung Quốc.

Về dài hạn, việc giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc là mục tiêu chiến lược trong chính sách của Mỹ gần đây. Do đó, xu hướng FDI từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp tục trong các năm tới, tạo động lực tăng trưởng FDI. Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, vận tải và kho bãi sẽ hưởng lợi từ sản lượng hàng hóa gia tăng này.

Theo bà Bùi Thị Quỳnh Nga – chuyên gia phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS), khi ông Trump tái đắc cử, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách, chọn lọc các nguồn vốn đầu tư một cách có hiệu quả.

“Lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ, có vai trò lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, đóng góp cho nền kinh tế trong nước. Đồng thời cần tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đầu vào, đầu ra của các doanh nghiệp FDI để đảm bảo lợi ích bền vững” – bà Nga nhấn mạnh.

Với các doanh nghiệp, chính sách của tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng đến việc quản lý chuỗi cung ứng và mô hình hoạt động của doanh nghiệp. Kịch bản cần thiết cho các doanh nghiệp Việt là nên trang bị trước cho mình các chiến lược ứng phó như: đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường công nghệ số hóa, điều chỉnh cấu trúc một cách linh hoạt nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng.

Về tỷ giá, chuyên gia Chứng khoán Shinhan cho rằng, tỉ giá từ nay đến cuối năm sẽ có những thử thách nhất định khi tâm lý thị trường chọn những phương án ít rủi ro để đầu tư và chờ đợi những tác động trực tiếp từ chính sách của ông Trump, thay vì hành động theo kỳ vọng từ những đợt cắt giảm lãi suất của Fed.

Về chính sách thị trường vàng hiện nay, TS Nguyễn Nhật Minh – Đại học RMIT Việt Nam nhận định, NHNN đã thực hiện việc điều chỉnh giá vàng trong nước theo hướng phù hợp với giá vàng quốc tế, nhằm hạn chế tình trạng chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát thị trường vàng, đặc biệt là vấn đề buôn lậu và gian lận thương mại liên quan đến vàng.

Cuối cùng, chính sách hiện nay cần cân nhắc giữa việc đảm bảo ổn định thị trường vàng và tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với vàng một cách hợp pháp. Việc xây dựng một thị trường vàng minh bạch và bền vững sẽ giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu những rủi ro liên quan đến biến động giá vàng.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Gia nhập WTO: Bước ngoặt lớn thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

Nhằm mục tiêu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, thể chế để đáp ứng các cam kết của WTO.

Tin liên quan