Kinhtedothi- Định hướng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam là hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm “Made in Vietnam” ra thị trường quốc tế. Trong đó, xây dựng những giải pháp thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt rào cản của thị trường.
Những lợi thế và thách thức
Thông tin từ Bộ Công Thương, 10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường TMĐT từ giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) đã đạt 18-20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Đáng chú ý, TMĐT Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Hiện cả nước có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách là 19.774 tỷ đồng. Số liệu mới nhất cho thấy, riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple…
Bên cạnh đó, 11 tháng của năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Là một trong những công cụ trực tuyến mạnh mẽ có thể giúp doanh nghiệp phát triển và mở rộng quy mô ra toàn cầu, tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, phát triển TMĐT cũng sẽ gặp không ít thách thức, nhất là với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đó là hạn chế về kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường, các vấn đề liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán…
Bên cạnh đó, những biến động của thị trường quốc tế, các căng thẳng thương mại, cùng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, kiêm Giám đốc điều hành kênh TMĐT E2E của KIDO Trần Quốc Bảo cho hay: hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 khó khăn cốt lõi khi tham gia thị trường TMĐT. Thứ nhất là vấn đề về công nghệ, mức độ thích nghi của doanh nghiệp còn khá hạn chế; thứ hai là thiếu sự kiên trì; thứ ba là cần chỉ dấu nhận biết từ cơ quan Nhà nước có tính chất, quy mô lớn hơn để đưa hàng Việt Nam ra thế giới.
Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho rằng, để phát triển bền vững thì cần thiết phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực TMĐT, vì hiện nay phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam quy mô còn rất nhỏ so với toàn cầu nên khó có đủ nguồn lực để theo kịp.
Sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý và ban hành chính sách
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại; tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng TMĐT, tạo động lực phát triển kinh tế số và TMĐT, góp phần tạo ra không gian phát triển mới.
Cùng với đó, xây dựng, vận hành trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong kiểm tra, xử lý, tập trung thông tin hợp đồng điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong hoạt động thương mại; xây dựng và vận hành nền tảng hỗ trợ thanh toán trực tuyến KeyPay nhằm phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, hạ tầng thanh toán đảm bảo hỗ trợ dịch vụ hành chính công.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu khai báo C/O (ecosys.gov.vn) mẫu Vsign và Dịch vụ hỗ trợ khai báo xuất xứ hàng hóa; triển khai các giải pháp, chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới; triển khai sự kiện ngày mua sắm trực tuyến 2024; xây dựng, triển khai sàn TMĐT hợp nhất 63 tỉnh/thành (sanviet.vn).
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và có sự cạnh tranh gay gắt, để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, bám sát tình hình phát triển TMĐT trên thế giới và trong nước để kịp thời ban hành chính sách nhằm quản lý, thúc đẩy phát triển TMĐT ở Việt Nam.
Chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an khai thác thông tin, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh truyền thông, cập nhật, đăng tải thông tinh cảnh báo hành vi lừa đảo, gian lận thương mại, lợi dụng TMĐT để cảnh báo người tiêu dùng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát Luật thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý TMĐT; chủ động xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cho giai đoạn 2026 – 2030.
Theo kinhtedothi.vn