Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
18 C
Hanoi
Thứ năm, 26/12/2024, 08:47

Tạo động lực để trí thức, nhà khoa học tận tâm cống hiến

Kinhtedothi – Để tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức, nhà khoa học vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên mới, Hà Nội cần có những chính sách đãi ngộ, tôn vinh xứng đáng để đội ngũ trí thức yên tâm cống hiến.

Nòng cốt, tiên phong trong mọi hoạt động

Trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia, đội ngũ trí thức luôn luôn là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đội ngũ trí thức vừa là một bộ phận của nguồn nhân lực, vừa là nguồn lực khoa học, kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Đánh giá đúng vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, Đảng và Nhà nước ta dành rất nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi những người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Nhờ đó, đội đội ngũ trí thức, nhà khoa học sự thay đổi rất lớn cả về lượng và chất.

(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Đối với Hà Nội, khi đánh giá về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn khẳng định, đây chính là lực lượng nòng cốt trong quá trình phát triển của Thủ đô. Thời gian qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố; giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới, tham gia tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách…

Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, hiện nay Hà Nội đang khẩn trương xây dựng và triển khai các văn bản để thực hiện Luật Thủ đô. Thành phố rất cần sự vào cuộc và đóng góp ý tưởng kiến tạo, tiên phong của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong việc đưa ra các giải pháp giải quyết các thách thức lớn mà Thủ đô và đất nước đang phải đối mặt.

Có vị trí, vai trò quan trọng, tuy nhiên thực tế đội ngũ trí thức, nhà khoa học của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn chưa phát huy hết giá trị.

GS. Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, mặc dù có nhiều đóng góp từ các sản phẩm nghiên cứu sáng tạo của đội ngũ trí thức tạo ra nhưng những sản phẩm ứng dụng rộng rãi để mang lại nhiều giá trị cho xã hội, cộng đồng thì còn rất hạn chế. Bởi chưa có cơ chế, chính sách đột phá nào về tiền lương, về ưu đãi đối với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ. Đây là nguyên nhân không tạo ra động lực, chưa khuyến khích được đội ngũ trí thức dấn thân trong nghiên cứu khoa học và sáng tạo nên các công trình nghiên cứu cũng như là các giải pháp để tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước trong phát triển đất nước.

Cần chính sách đãi ngộ phù hợp

GS.TS. Chu Hoàng Hà – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, để hiện thực mục tiêu phát triển Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, Hà Nội cần xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trình độ cao trong việc quyết định sự thành công của quá trình phát triển khoa học công nghệ và kinh tế – xã hội. Để xây dựng và phát triển đội ngũ này, Hà Nội cần mở rộng cơ hội hợp tác và tìm kiếm nhân tài. Thực hiện các chương trình hợp tác với các trường đại học danh tiếng, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để tìm kiếm các nhà khoa học trẻ, tài năng.

Cùng với đó, xây dựng chính sách đãi ngộ hấp dẫn, bao gồm chế độ lương thưởng cạnh tranh, điều kiện làm việc hiện đại, và hỗ trợ phát triển sự nghiệp như tài trợ nghiên cứu và đào tạo thêm. Tạo môi trường làm việc linh hoạt, với các điều kiện cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng thời ưu tiên các dự án nghiên cứu ứng dụng thực tế. Ngoài ra, các chế độ đãi ngộ, bảo đảm xã hội và điều kiện nghiên cứu cần được cải thiện nhằm cạnh tranh với các trung tâm công nghệ quốc tế. Tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể tiếp cận nguồn quỹ nghiên cứu, giảm thiểu các rào cản hành chính trong việc triển khai các dự án nghiên cứu và ứng dụng.

Mặt khác, để tận dụng tốt đội ngũ các nhà khoa học, công nghệ trình độ cao và hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất tương đối hiện đại của các Viện nghiên cứu quốc gia và các đại học lớn đóng trên địa bàn, Hà Nội cần liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để phát triển khoa học công nghệ. Đồng thời, xây dựng các chương trình hợp tác công tư trong các dự án phát triển công nghệ và sản phẩm có giá trị cao.

Còn theo Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam Nguyễn Quân, trên cơ sở Luật Thủ đô, ngày 28/6/2024, HĐND thành phố có thể ban hành Nghị quyết cụ thể hóa Điều 15, Điều 16, Điều 23 Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho cán bộ khoa học, công nghệ của Hà Nội vừa thương mại hóa được kết quả nghiên cứu vừa nâng cao được thu nhập theo hướng cho phép viên chức được thành lập và điều hành doanh nghiệp khoa học, công nghệ sản xuất kinh doanh chính kết quả nghiên cứu mà họ tạo ra và được giao quyền sở hữu. Cùng với đó, bổ sung quy định viên chức sau khi được cơ quan, tổ chức điều động sang quản lý điều hành doanh nghiệp có thể quay trở lại tổ chức khoc học, công nghệ công lập và được bảo lưu chế độ chính sách để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ do tổ chức giao.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Bắt ba đối tượng tổ chức sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy

Ba đối tượng tổ chức sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy đã bị Công an huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) bắt giữ.

Tin liên quan