Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024
29 C
Hanoi
Thứ ba, 19/11/2024, 12:29

Thiệt hại kinh tế do hút thuốc lá cao gấp 5 lần thuế thuốc lá mang lại

“Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại”. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Bộ Y tế tổ chức chiều 29/10 tại Hà Nội.

z5979271153186_7f56e3aca05d842d6c2727b75ac88ffd.jpg
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng), cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.

Lợi ít, hại “khủng khiếp”

Chủ trì và phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, nhấn mạnh, Việt Nam đối mặt với sự gia tăng người sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử (TLĐT) thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Năm 2019 (TLNN) , khoảng 2,6% học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi sử dụng TLĐT thì năm 2023 kết quả điều tra tại 11 tỉnh, thành đã tăng lên 8,1%…

Điều này dẫn đến gánh nặng bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh chính là tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính… đang gia tăng nhanh chóng, chiếm tới 81% nguyên nhân tử vong và 73% tổng gánh nặng bệnh tật.

“Phòng, chống bệnh không lây nhiễm đang là ưu tiên hàng đầu trong chính sách y tế của Việt Nam. Kiểm soát yếu tố nguy cơ là biện pháp hiệu quả nhất và cũng là quan trọng nhất để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Sử dụng thuốc lá nằm trong nhóm các yếu tố nguy cơ hành vi hàng đầu cần kiểm soát”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn cho biết.

Năm 2012, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Sau hơn 10 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành ở Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỷ lệ chung ở hai giới là 20,8%; tỷ lệ hiện hút ở nam giới trưởng thành là 41,1% (năm 2021) thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới.

1.png
Năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật. Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, trong những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá truyền thống, trên thị trường nước ta đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm TLĐT, TLNN và sản phẩm thuốc lá lai giữa hai sản phẩm này.

“Mặc dù các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, quảng cáo hoặc bán tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này đã có sự gia tăng nhanh trong thời gian qua, đặc biệt là ở học sinh phổ thông trung học tại khu vực thành thị”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói, đồng thời nhấn mạnh thêm: Các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tình trạng lợi dụng TLĐT, TLNN để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Các bệnh viện đã ghi nhận các tình trạng nhập viện có liên quan đến TLĐT, trong đó có ngộ độc, loạn thần và ngộ độc ma túy.

Không có một sản phẩm thuốc lá nào an toàn cho sức khỏe

Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.

3.png
Tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử.

Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng TLĐT trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023). Ở người trên 15 tuổi: tỷ lệ sử dụng TLĐT cũng tập trung cao ở nhóm tuổi trẻ. Nhóm 15-24 tuổi) là 7,3%; Nhóm tuổi 25-44 tuổi là 3,2%; Nhóm tuổi 45-64 tuổi là 1,4%.

Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN. Cũng trong năm 2022 và 2023, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng TLĐT… Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.

Tiến sĩ Hà Anh Đức nhấn mạnh, không có một sản phẩm thuốc lá nào an toàn cho sức khỏe. Bên cạnh đó, với các thiết kế đa dạng hấp dẫn với thanh thiếu niên, nguy cơ thuốc lá mới góp phần tạo ra thế hệ trẻ nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ và an ninh trật tự xã hội. “Do tỷ lệ thanh thiếu niên gia tăng sử dụng thuốc lá mới, đề nghị Quốc hội kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn, bao gồm: cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLNN”, Tiến sĩ Hà Anh Đức đề xuất

Pha trộn ma túy vào các sản phẩm TLĐT trước khi bán

Tại Hội thảo, Bộ Y tế công bố Nghiên cứu “Tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới” do Bộ Y tế thực hiện, cho thấy tác hại của thuốc lá mới đối với xã hội đáng quan ngại nhất là thiết kế của các sản phẩm TLĐT, TLNN và các hình thức quảng bá hấp dẫn, dẫn dắt thế hệ người sử dụng nicotine mới, đặc biệt là thanh thiếu niên và nữ giới.

Các sản phẩm TLĐT thế hệ mới đa phần sử dụng muối nicotine nồng độ cao, dễ được hấp thu, giảm kích ứng họng và dễ đưa được hàm lượng nicotine cao vào một sản phẩm kích cỡ nhỏ.

Hiện nay nhiều sản phẩm có thể cho phép hút tới 3.000, 5.000 hay 8.000 lần. Muối nicotine là yếu tố chính dẫn tới tỷ lệ sử dụng TLĐT cao trong giới trẻ, ở một số nước thậm chí còn cao hơn ở người trưởng thành.

Có bằng chứng đáng kể cho thấy TLĐT có nicotine gây nghiện ở người không hút thuốc và người trẻ dùng TLĐT có khả năng bắt đầu hút thuốc lá cao gấp 3 lần.

2.png
Thuốc lá điện tử được sản xuất với nhiều hình dáng bắt mắt nhằm đánh lừa tâm lý người dùng, đặc biệt là trẻ em.

TLĐT có thể tăng nguy cơ sử dụng ma túy do người dùng có thể tự pha chế dung dịch, pha trộn các chất cấm như cần sa tổng hợp, ketamin, heroin vào thuốc lá, đặc biệt là ở giới trẻ.

Đặc biệt Bộ Công An đã phát hiện một số trường hợp cả các đơn vị tư nhân nhập lậu linh kiện sản phẩm, chủ động pha trộn ma túy vào các sản phẩm TLĐT trước khi bán. Từ năm 2022, Việt Nam ghi nhận một loạt các ca bệnh điển hình nhập viện do người sử dụng hút TLĐT có pha trộn ma túy; Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng TLĐT trong đó có ngộ độc ma túy năm 2022, 2023.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, tình trạng mua bán, sử dụng TLĐT pha trộn, tẩm ma túy (cần sa tổng hợp) đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng; đối tượng chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, đối tượng, tang vật bị phát hiện, bắt giữ tăng mạnh qua các năm, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Công an và Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng góp tiếng nói ủng hộ Bộ Y tế trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo, khuyến mại TLĐT, TLNN ở tất cả các dạng ở Việt Nam. Trong thời gian tới, các quy định này cần được nghiên cứu luật định khi sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Theo Congly.vn

Mới nhất

Bắt giam các bị can trộm cắp, tiêu thụ 15 tấm rào chắn cao tốc Bắc- Nam

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can để điều tra làm rõ hành vi tộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tài sản bị trộm cắp là 15 tấm rào chắn cao tốc Bắc- Nam.

Tin liên quan