Quan hệ Việt – Mỹ tiếp tục trên đà phát triển tích cực. Trong những tháng cuối năm 2024, liên tục các đoàn DN của Mỹ tìm kiếm cơ hội hợp tác ở Việt Nam. Mối quan hệ kinh tế song phương Việt – Mỹ sẽ vẫn tiếp tục phát triển.
Doanh nghiệp Mỹ đánh giá nhiều cơ hội hợp tác
Một phái đoàn DN ngành hàng không vũ trụ, quốc phòng, an ninh của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam nhân dịp Triển lãm Quốc phòng quốc tế lần thứ 2 năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức.
Đoàn do Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực của USABC Brian McFeeters và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn I.M. Systems Imelda Martin-Hum dẫn đầu. Tham gia đoàn còn có đại diện các DN Boeing, Lockheed Martin, Bell Textron, A2G (Air to Ground), AeroVironment, Atmo, Blue Halo, IMSG, Loading Republic, Oliver Wyman, Realtime Robotics, R-MOR, và Stick Rudder Enterprises.
Chiều 18/12, tiếp đoàn tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đoàn DN tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Trước đó, chiều 10/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông John Neuffer – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), cùng lãnh đạo các DN bán dẫn hàng đầu của nước này.
Ông John Neffeur đã có 2 chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1/2023 và tháng 10/2023. Lần này, SIA tổ chức đoàn DN bán dẫn hàng đầu, bao gồm Intel, Ampere, Marvell, Cirrus Logic, Infineon, Skyworks thăm và làm việc tại Việt Nam.
Loạt tập đoàn bán dẫn hàng đầu Mỹ làm việc với Thủ tướng khẳng định, Việt Nam “là đích đến” quan trọng, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Các DN đánh giá cao các sáng kiến, nỗ lực của Việt Nam trong phát triển ngành bán dẫn, đặc biệt là chiến lược phát triển ngành này đã được Chính phủ ban hành và chương trình đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn. Việt Nam cũng đã đạt rất nhiều tiến triển về lĩnh vực này trong thời gian qua, nhất là trong đa dạng hóa, phát triển mạnh chuỗi cung ứng.
Ngay trong tháng 12 này, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Nvidia đã được ký kết nhằm hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại Việt Nam.
Những lợi ích cùng hướng đến
Trong những năm qua, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ tại khu vực ASEAN. Ở chiều ngược lại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, trung bình 16% mỗi năm. Đặc biệt, sau hơn một năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đạt những bước tiến mạnh mẽ. 11 tháng năm 2024, thị trường Mỹ chiếm gần 1/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Về đầu tư, tính đến tháng 10/2024, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.340 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11,8 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhiều DN Việt Nam như FPT, Vinfast… cũng đang mở rộng hoạt động sang Mỹ, mang lại lợi ích chung đan xen.
Năm 2024, các hoạt động tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao tiếp tục được thúc đẩy. Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên để tăng cường hợp tác và thảo luận về triển vọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới mà mỗi bên có nhu cầu nhằm mang lại sự thịnh vượng cho người dân.
Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 79 ở New York, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp với lãnh đạo nhiều DN, quỹ đầu tư lớn ở Mỹ như Apple, Meta, Supermicro, Blackstone và Warburg Pincus, đồng thời nhấn mạnh cam kết tạo thuận lợi theo quy định của pháp luật để các nhà đầu tư Mỹ kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ sau một năm thiết lập tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, thực chất. Quan hệ chính trị song phương đang ở thời điểm tốt đẹp nhất từ khi bình thường hóa quan hệ (năm 1995) và 2 nước đang hướng đến kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhấn mạnh việc tập trung ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số) và nhân lực, Thủ tướng cho hay sẽ tạo thuận lợi và đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh giúp họ yên tâm hợp tác lâu dài, bền vững, hiệu quả với Việt Nam.
Đến Việt Nam vào những ngày cuối tháng 10/2024, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ Arun Venkataraman chia sẻ, thông điệp chính của chuyến đi là nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế chung và sự gia tăng thương mại, đầu tư giữa 2 nước.
Ông Arun Venkataraman cũng nhấn mạnh về quan hệ thương mại với Việt Nam sau bầu cử: “Từ nay đến năm 2025, dù Mỹ có thay đổi lãnh đạo, mối quan hệ kinh tế song phương sẽ vẫn tiếp tục phát triển, khi cả 2 quốc gia cùng chia sẻ mục tiêu tăng cường chuỗi cung ứng và đối phó với các thách thức trong an ninh mạng”.
“Ông Trump đã từng có hai lần đến Việt Nam và đều có ấn tượng rất tốt. Ngược lại, các lãnh đạo nước ta cũng có những chuyến thăm tới Mỹ. Có thể thấy, với sự ủng hộ của lãnh đạo hai bên, sợi dây gắn liền về lợi ích và ấn tượng tốt của ông Trump với Việt Nam, tôi nghĩ quan hệ hai nước sẽ tiếp tục có đà để thúc đẩy. Hiện nay, có rất nhiều DN Mỹ đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó chính là cơ sở để ông Trump ủng hộ quan hệ kinh tế và các DN”- nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định.
Một loạt thông tin trên các hãng thông tấn thế giới và dự báo của các chuyên gia trong thời gian gần đây cho thấy sẽ có cú hích vốn FDI vào Việt Nam trong thời “Donald Trump 2.0”. Các chuyên gia nhận định, dư địa tương lai còn rất lớn trong bối cảnh hai bên đang nỗ lực thúc đẩy đầu tư, thương mại, hợp tác trên các lĩnh vực mới như công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ, doanh nghiệp cần làm gì?
Sự hiện diện của các nhà sản xuất và nhà cung ứng hàng đầu trên thế giới tại Mỹ đòi hỏi các DN Việt Nam luôn phải sẵn sàng cho sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả và dịch vụ.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Mỹ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”. Điều này đòi hỏi các DN Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó.
Với nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump, các chuyên gia đánh giá, thế giới sẽ phải đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng.
Với kinh nghiệm 4 năm đồng hành cùng nhiều DN Việt, đặc biệt DN vừa và nhỏ để đưa hàng Việt đến khách hàng châu Âu, Mỹ, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam Trịnh Khắc Toản cho rằng, đây là một thị trường siêu cạnh tranh, đòi hỏi DN phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cũng như phát triển thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hóa, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định về phát triển bền vững ngày càng cao.
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại khuyến nghị, chúng ta phải đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nếu không sẽ không đủ nhân lực để đáp ứng dòng vốn đầu tư công nghệ cao của Mỹ vào nước ta.
Trong lĩnh vực bán dẫn, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ ưu tiên sản xuất ở Mỹ nhưng chuỗi cung ứng sẽ nằm ở nước ngoài. Việt Nam có lợi thế khi là nơi được Samsung, Intel chọn mở nhà máy. Ngay cả khi sản xuất bán dẫn trở lại Mỹ, vai trò mắt xích của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn vẫn có thể được nâng cao hơn.
PGS.TS Vũ Minh Khương – giảng viên Trường Chính sách công
Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore
Theo kinhtedothi.vn