Huyện Phúc Thọ là vùng chuyên canh bưởi, chuối lớn của TP Hà Nội. Dù vậy, đầu ra cho hai nhóm hàng trái cây chủ lực của địa phương này hiện vẫn còn không ít khó khăn.
Hàng trăm tấn trái cây chờ tiêu thụ
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, trên địa bàn huyện hiện có 756ha bưởi, tập trung tại các xã: Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Trạch Mỹ Lộc… Những năm qua, diện tích canh tác bưởi cho năng suất, chất lượng ổn định.
Bước vào những tháng cuối năm, trái cây chín rộ. Hiện, tại 3 xã có diện tích trồng bưởi lớn nhất của huyện Phúc Thọ gồm: Vân Nam, Vân Hà và Xuân Đình, diện tích cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ là 90ha, với số lượng khoảng 1,3 triệu quả, chủ yếu là hai giống bưởi Phúc Thọ và bưởi Tam Vân.
Ông Cao Văn Ngân – Giám đốc Hợp tác xã Hương Bưởi (xã Vân Hà), cho biết việc tiêu thụ bưởi hiện ngày một khó khăn hơn do thị trường cạnh tranh nhiều. Đơn cử như gia đình ông, trước đây có thể thu 600 – 700 triệu đồng tiền bưởi mỗi năm, thì năm gần nhất (2023) chỉ thu được 400 triệu đồng.
Ngoài bưởi, chuối cũng là trái cây chủ lực của huyện Phúc Thọ. Toàn huyện hiện có 195ha chuối, được canh tác tập trung tại các xã: Vân Nam, Xuân Đình, Vân Phúc, Hát Môn… Hiện nay, nhiều diện tích chuối thuộc Hợp tác xã Chuối Vân Nam quản lý đã và đang cho thu hoạch, năng suất cao.
Giám đốc Hợp tác xã Chuối Vân Nam (huyện Phúc Thọ) Doãn Văn Thắng cho biết, sản phẩm chuối Vân Nam nhiều năm qua được người tiêu dùng đánh giá là có mã quả đẹp, chất lượng thơm ngon. Với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, chuối Vân Nam được quảng bá giới thiệu rộng rãi; hiện nay đã thâm nhập được vào một số kênh phân phối, trường học…
“Từ vài ba trăm trái chuối của những năm về trước, hiện nay chúng tôi đang tiêu thụ hàng vạn quả mỗi ngày. Thời điểm cuối năm, thành viên hợp tác xã đang thu hoạch và dự kiến tổng sản lượng chuối cần kết nối tiêu thụ khoảng 300 – 350 tấn…” – ông Doãn Văn Thắng chia sẻ.
Chất lượng là yếu tố tiên quyết
Những năm qua, việc phát triển và nhân rộng vùng chuyên canh bưởi, chuối được huyện Phúc Thọ đặc biệt quan tâm. Quy mô diện tích sau giai đoạn mở rộng hết tiềm năng, nay đang dần đi vào ổn định. Người dân cũng chú trọng nhiều hơn đến nâng cao chất lượng.
Bà Bùi Thị Dung – đại diện Công ty TNHH Minh Quang, cho rằng thị trường hiện nay rất cạnh tranh. Do đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì nhãn mác là hết sức quan trọng để nông sản Hà Nội nói chung, trái cây của huyện Phúc Thọ nói riêng dễ dàng thâm nhập các kênh phân phối tiêu thụ.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng cho biết, để hỗ trợ tiêu thụ hai sản phẩm trái cây chủ lực là bưởi và chuối, năm 2015, huyện đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Bưởi Phúc Thọ”. Cuối năm 2016, “Chuối Vân Nam” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Đến năm 2019, “Bưởi Tam Vân” cũng được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Để hỗ trợ tiêu thụ bưởi, chuối cho bà con nông dân, vừa qua huyện Phúc Thọ phối hợp với Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội đưa một số doanh nghiệp về khảo sát vùng trồng, kết nối xúc tiến thương mại. Sau khi thăm quan thực tế, hai doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực với 4 hợp tác xã, chủ thể sản xuất của huyện Phúc Thọ.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thành Trung, toàn TP hiện có 20.000ha cây ăn quả; bước đầu đã hình thành được những vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, trong đó có vùng bưởi và chuối của huyện Phúc Thọ.
Thời gian qua, Chi cục đã kết nối các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, chuỗi siêu thị, hệ thống cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội với chủ thể sản xuất, hợp tác xã, người nông dân các địa phương, trong đó có huyện Phúc Thọ để tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản nói chung, giúp giải quyết bài toán đầu ra hỗ trợ nông dân.
Ông Nguyễn Thành Trung cũng nhấn mạnh: người tiêu dùng hiện nay đang ngày càng “khó tính” và có nhiều lựa chọn. Do đó, việc nâng cao chất lượng trái cây là yêu cầu tiên quyết, để không bị hoa quả nhập ngoại lấn át. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản nói chung, trái cây nói riêng cho bà con nông dân Hà Nội.
#box1734265878711:before,#box1734265878711:after{background-color:#d38d8d}
Theo kinhtedothi.vn