Trong năm 2024, có 2 trong số 4 ngân hàng 0 đồng được chuyển giao bắt buộc. 2 ngân hàng còn lại chuẩn bị được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố chuyển giao.
Tín hiệu mới sau 2 tháng chuyển giao bắt buộc “ngân hàng 0 đồng”
Ngày 17/10/2024, NHNN đã chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng. Theo đó, Vietcombank (nhận chuyển giao Ngân hàng Xây dựng – CBBank) và Ngân hàng TMCP Quân đội MB (nhận chuyển giao Ngân hàng Đại Dương – OceanBank).
Đến nay, sau hơn 2 tháng, ngân hàng 0 đồng khi chuyển giao có sự tăng trưởng tín dụng và huy động vốn.
Thông tin từ lãnh đạo MB cho hay, OceanBank sau khi trở thành thành viên thuộc hệ sinh thái MB Group, đã khoác lên mình diện mạo mới trẻ trung hơn, hiện đại hơn. Trong đó điểm nhấn là việc ngân hàng này thay đổi bộ nhận diện thương hiệu và tên gọi từ OceanBank thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam – MBV.
“MB đang chuyển giao công nghệ cũng như nền tảng sở hữu của MB sang MBV để vực dậy ngân hàng này”- Chủ tịch Hội đồng quản trị MB Lưu Trung Thái cho biết. Kể từ ngày 17/10-13/12, tăng trưởng huy động vốn của OceanBank đạt 1.229 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng thêm 555 tỷ đồng. MB và OceanBank đã triển khai các khoản bán nợ quy mô gần 6.000 tỷ đồng. Quá trình hoạt động sau chuyển giao diễn ra suôn sẻ, tuyệt đối an toàn, không có gián đoạn giao dịch hoặc sự cố.
Với CB, NHNN công bố quyết định chuyển giao bắt buộc CB do Nhà nước là chủ sở hữu 100% vốn cho Vietcombank theo phương án được Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa CB dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.
Kể từ khi chính thức chuyển giao, CB đã 2 lần tăng mạnh lãi suất huy động để hút vốn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng tăng tổng cộng 0,35% lên 4,05%/năm; kỳ hạn 3 tháng từ 3,9%/năm lên 4,25%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên 5,65%/năm gần đây.
Việc chuyển giao bắt buộc CB cho Vietcombank được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền với mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa CB dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, năm 2024, về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN đã đạt bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém. Về tổng thể, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đang đạt nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các tổ chức tín dụng hiện nay đều hoạt động hiệu quả, với lợi nhuận cao hơn so với năm 2023. Các ngân hàng vẫn duy trì mức lợi nhuận hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.
Ông Tú cho biết, năm 2025, một trong những nhiệm vụ của NHNN là ưu tiên hàng đầu hiện nay là sớm hoàn tất việc chuyển giao các ngân hàng yếu kém, nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh và hiệu quả.
Khẩn trương hoàn thành chuyển giao GPBank và DongA Bank
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thông báo, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng còn lại là Dầu khí Toàn cầu- GPBank và ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á – DongABank.
Riêng về trường hợp Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), có quy mô khá lớn. NHNN đang áp dụng các biện pháp nhằm duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn tiền gửi của khách hàng, đồng thời tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém và vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phương án xử lý đối với SCB, không để chậm trễ hơn nữa.
Như vậy kế hoạch tuần này, NHNN sẽ chính thức công bố quyết định chuyển giao 2 ngân hàng GPBank và DongABank.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) đều đã lấy ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.
Nhiều khả năng, VPBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc GPBank còn HDBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc DongABank. Tình trạng này được kỳ vọng sẽ có thay đổi trong bối cảnh không ít ngân hàng lên kế hoạch triển khai và dự kiến hoàn tất việc nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém trong năm nay, khi NHNN đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, điểm chung của 4 ngân hàng được tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém gồm Vietcombank, VPBank, HDBank và MB là sở hữu tiềm lực mạnh và hệ thống quản trị chuyên nghiệp. Thậm chí, Vietcombank hay VPBank còn nằm trong nhóm ngân hàng có quy mô vốn lớn và có bảng cân đối kế toán lành mạnh. Ngoài ra, hành lang pháp lý cho chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được xây dựng.
Dù vậy, chuyên gia cũng lưu tâm, hệ thống ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Chẳng hạn, nợ xấu chưa được công bố đầy đủ vì áp dụng quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ và chưa chuyển nhóm nợ theo Thông tư 02/2023. Nhưng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã gia tăng. Bên cạnh đó, năm 2025, áp lực với tỷ giá và lạm phát của Việt Nam, còn “quả bom” nợ trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết.
Do vậy, đòi hỏi yêu cầu rất cao, vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền nên quá trình bước đi phải thận trọng không ảnh hưởng đến sức khỏe của ngân hàng đó cũng như an toàn hệ thống.
Xử lý triệt để nợ xấu và ngân hàng yếu kém cũng là một trong 8 nhiệm vụ trong tâm được Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh trong hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng. Đó là tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, góp phần bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, minh bạch, đáp ứng chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Cùng với đó, theo dõi, giám sát tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu và có giải pháp kịp thời, hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng…
Theo kinhtedothi.vn