Kinhtedothi – Giá vàng nhẫn giảm nửa triệu đồng mỗi lượng; Việt Nam đứng thứ 6 tại ASEAN về chất lượng quản trị; xuất khẩu dệt may về đích với 44 tỷ USD là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 15/12.
Lãi suất huy động tiếp tục tăng
Theo thống kê đã có tới 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 12 gồm: CB, Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB. Trong đó ABBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất 2 lần trong tháng.
Hiện nay, lãi suất tiết kiệm dao động từ 4,7% đến 6,35%/năm đối với các kỳ hạn phổ biến từ 6 đến 12 tháng. Trong nửa cuối năm 2024, mức lãi suất này có thể tăng thêm khoảng 0,5-1% tùy kỳ hạn. Lý do chính là nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế tăng cao khi doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất dịp cuối năm.
Giá vàng thế giới tăng nhẹ
Giá vàng thế giới trong ngày 15/12 giao ngay ở mức 2.649,77 USD/ounce, tăng nhẹ 0,03% so với hôm qua.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở ngưỡng 83,8 – 86,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự, thương hiệu DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC 83,5 – 84,6 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá vàng nhẫn ở mức 83,3 – 84,7 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Việt Nam đứng thứ 6 tại ASEAN về chất lượng quản trị
Số liệu từ McKinsey và World Bank cho thấy, các công ty có chất lượng quản trị tốt sẽ được định giá cao hơn 10 – 20% và có chi phí vốn thấp hơn 10 – 15% khi gọi vốn. Tuy nhiên, chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á.
Kết quả trên đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào quản trị công ty, xem như một mục tiêu chiến lược và phải được ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năm 2024, Việt Nam chỉ có 69 doanh nghiệp được lựa chọn đánh giá theo chuẩn quản trị ACGS. Trong khi quy mô nhóm các nhà đầu tư quan tâm đến chất lượng quản trị trên thế giới đạt mức 158.000 tỷ USD. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào chất lượng quản trị thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận.
Xuất khẩu dệt may về đích với 44 tỷ USD
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, kết quả kinh doanh năm 2024 của ngành dệt may đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng trưởng 11,26% so với năm trước, xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93%.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như cước vận tải biến động, kinh tế phục hồi chậm và đầu tư toàn cầu sụt giảm, ngành dệt may Việt Nam có nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể của đơn hàng trong năm 2024.
Việt Nam xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại trong 11 tháng năm 2024
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2024, cả nước xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 644,46 triệu USD, giá trung bình 410 USD/tấn, tăng 13,7% về khối lượng, tăng 11,6% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 1,8% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 11/2024 xuất khẩu 130.728 tấn phân bón các loại đạt 53,83 triệu USD, giá 411,8 USD/tấn, giảm 11,4% về khối lượng, giảm 10% kim ngạch nhưng tăng 1,5% về giá so với tháng 10/2024; so với tháng 11/2023 thì tăng mạnh 56,5% về lượng, tăng 43,9% kim ngạch nhưng giảm 8% về giá.
Theo kinhtedothi.vn