Kinhtedothi – Giá vàng đột ngột giảm mạnh; xuất khẩu rau quả về đích sớm; nhiều ngân hàng chịu áp lực nợ xấu tăng nhanh là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 16/12.
Xuất khẩu rau quả về đích sớm
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, giảm 3,8% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng tới 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục khoảng 6,6 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đề ra của Bộ NN&PTNT cho ngành hàng rau quả trong năm nay là giá trị xuất khẩu ước đạt 6-6,5 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả sau 11 tháng đã về đích sớm. Thành quả này là nhờ vào những thắng lợi tại các thị trường lớn, trong đó có thị trường tỷ dân – Trung Quốc.
Giá vàng đột ngột giảm mạnh
Giá vàng thế giới trong ngày 16/12 giao ngay ở mức 2.652 USD/ounce, tăng nhẹ 2 USD/ounce so với đầu giờ sáng.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở ngưỡng 82,6 – 85,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 1,2 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tương tự, thương hiệu DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC 82,6 – 85,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 1,2 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá vàng nhẫn ở mức 82,6 – 84,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Nhiều ngân hàng chịu áp lực nợ xấu tăng nhanh
Tính đến hết quý III/2024, nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 252.000 tỷ đồng (tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30,3% so với đầu năm.
Nguyên nhân khiến nợ xấu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là do nền kinh tế và thị trường bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Tín dụng được giải ngân trong thời gian ngắn, chủ yếu tăng mạnh ở nhóm kinh doanh bất động sản – vốn tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ không có nhiều lợi thế trong việc lựa chọn khách hàng nên tệp khách hàng thường là nhóm có năng lực tài chính kém, khả năng phục hồi chậm hơn so với những nhóm đối tượng khác.
Mỗi ngày người dân gửi ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng
Trung bình mỗi ngày, hệ thống ngân hàng đang tiếp nhận khoảng 9.000 tỷ đồng tiền gửi từ cư dân. Con số này còn tiếp tục gia tăng khi cuối năm, lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng nhích tăng và kênh ngân hàng vẫn là kênh đầu tư, trú ẩn an toàn được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh hiện nay.
Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm của nhiều ngân hàng đã tăng so với thời điểm đầu năm khoảng từ 0,3 – 0,8%/năm. Và mốc lãi suất 6% đối với tiền gửi kỳ hạn một năm đã lác đác xuất hiện và đã được một số ngân hàng thương mại tư nhân áp dụng từ giữa tháng 11. Dù mức sinh lợi chỉ khoảng 6%/năm, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi.
Vốn hóa thị trường chứng khoán khoảng 296 tỷ USD
Chất lượng nội tại thị trường chứng khoán vẫn cải thiện sau thời gian tích lũy kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay. Nhiều mã, nhóm mã đang ở vùng giá hợp lý, mở ra nhiều cơ hội tốt. Trên nền vốn hóa toàn thị trường khoảng 296 tỷ USD vẫn tương đối hấp dẫn so với quy mô nền kinh tế, với tăng trưởng GDP năm 2025 kế hoạch tăng 6,5-7%. Đây là nhận định của các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) về thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Theo SHS, trong ngắn hạn, VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh, tích lũy trên vùng hỗ trợ quanh 1.260 điểm. Thị trường cũng đang vào giai đoạn chốt giá trị tài sản ròng (NAV) năm 2024 của các nhà đầu tư.
SHS cho rằng, đây là giai đoạn tích lũy phù hợp, trước khi chờ các động lực tăng trưởng mới như kỳ vọng vào tăng trưởng kết quả kinh doanh quý IV/2024 và triển vọng năm 2025. “Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ vượt lên xu hướng tích lũy kéo dài từ đầu năm đến nay”chuyên gia từ SHS nhận định.
Theo kinhtedothi.vn