Kinhtedothi – Giá vàng thế giới bật tăng; xuất khẩu “vàng đen” mang về hơn 1,2 tỷ USD; Việt Nam là quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất khu vực châu Á… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 25/12.
Xuất khẩu hồ tiêu mang về hơn 1,2 tỷ USD
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12, Việt Nam đã xuất khẩu gần 242.000 tấn hạt tiêu các loại, thu về 1,26 tỷ USD.
Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này đã vượt xa con số 910,5 triệu USD của cả năm 2023, trong khi khối lượng xuất khẩu lại thấp hơn khoảng 23.900 tấn. Đây là mức cao kỷ lục của hồ tiêu tính từ năm 2017 tới nay.
Việc hồ tiêu trở lại thời kỳ hoàng kim một phần đến từ giá của mặt hàng này tăng cao trong thời gian qua. Hồi tháng 1/2024 giá tiêu xuất khẩu chỉ ở ngưỡng 4.003 USD/tấn, đến tháng 10 đã vọt lên 6.501 USD/tấn, tăng tới 72,4% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Giá vàng thế giới bật tăng
Giá vàng thế giới trong ngày 25/12 giao ngay ở mức 2.619 USD/ounce, tăng 10 USD so với mức giá thấp nhất trong phiên giao dịch đêm qua.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở ngưỡng 82,3-84,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so kết phiên trước đó.
Giá vàng nhẫn SJC 9999 niêm yết ở ngưỡng 82,3 – 84,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so kết phiên trước đó.
Tương tự, giá vàng nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 niêm yết ở mức 83,3-84,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so kết phiên trước đó.
Việt Nam là quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất khu vực châu Á
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 trên thế giới và đứng thứ nhất khu vực châu Á.
Trong khi đó, Ngân hàng HSBC đánh giá, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài. Hiện đã có 147 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 89,1 tỷ USD (chiếm 17,9% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam). Singapore đứng thứ 2 với gần 82,3 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…
Theo Oxford Economics, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, mặc dù tốc độ có thể chậm lại một chút. Hiện tại, các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, và dòng vốn này dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nhờ lo ngại về thuế cao đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
Hỗ trợ lãi suất 2% cho khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg về việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội bị ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).
Mức giảm lãi suất cho vay là 2%/năm. Áp dụng đối với khoản vay có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ ngày 1/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Thời gian thực hiện giảm lãi suất cho vay từ ngày 1/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Việt Nam thu hơn 3,1 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng
Báo cáo của hải quan cho biết, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 3,1 tỷ USD trong 11 tháng, chiếm gần một nửa kim ngạch xuất rau quả năm nay.
Theo đó, Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ sầu riêng Việt, chiếm 90% tổng kim ngạch, tương đương hơn 2,8 tỷ USD trong 11 tháng. Mức này tăng 43% so với cùng kỳ 2023.
Thái Lan đứng thứ 2, nhập khoảng 177 triệu USD trái sầu riêng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hong Kong, Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 16% và 85% so với năm ngoái. Riêng trái sầu riêng Việt xuất sang Campuchia tăng 139 lần, đạt gần 3 triệu USD.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), năm 2024 là năm bội thu của trái sầu riêng và ngành rau quả nói chung. Hiệp hội này tính toán, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sầu riêng chiếm gần một nửa số thu từ xuất khẩu rau quả.
Theo kinhtedothi.vn