Thứ năm, Tháng Một 9, 2025
22 C
Hanoi
Thứ năm, 9/01/2025, 16:16

Tin tức kinh tế 8/1: lãi suất tiết kiệm tăng sát trần

Kinhtedothi – Giá vàng đồng loạt tăng mạnh; lãi suất tiết kiệm tăng sát trần; đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 8/1. 

Lãi suất tiết kiệm tăng sát trần

Ngay trong tuần đầu tiên của năm mới 2025, đã có thêm một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, trong đó nhiều nhà băng tiếp tục tăng ở những kỳ hạn ngắn, áp sát mức trần, nhưng giảm nhẹ ở kỳ hạn huy động dài.

Hiện trên thị trường, với các ngân hàng cùng một phân khúc, lãi suất tiền gửi hiện tương đối đồng đều. Nhưng lại có sự phân hóa đáng kể với mức chênh lệch từ 1% – 3% giữa nhóm ngân hàng thương mại cổ phần top đầu với các ngân hàng quy mô nhỏ, tại cùng một kỳ hạn. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất đang rơi vào kỳ hạn 12 và 18 tháng, ở mức 6 và trên 6%/năm.

Tin tức kinh tế 8/1: lãi suất tiết kiệm tăng sát trần. Ảnh minh họa.
Tin tức kinh tế 8/1: lãi suất tiết kiệm tăng sát trần. Ảnh minh họa.

Giá vàng đồng loạt tăng mạnh

Giá vàng thế giới trong ngày 8/1 giao ngay tăng 10,5 USD so kết phiên trước đó lên mức 2.646,6 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn ở mức 84 – 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và ở chiều bán so phiên giao dịch ngày hôm qua. 

Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng niêm yết giá vàng SJC ở mức 84,9 – 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt ngày giao dịch hôm qua. 

Trong khi tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 84 – 85,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt ngày giao dịch hôm qua. 

Gần 217.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 2025

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày 31/12/2024, có 54 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trị giá 56.793 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 800 tỷ đồng trong tháng 12 năm ngoái.

Tính cả năm 2024, có 429 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 410.544 tỷ đồng và 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 32.914 tỷ đồng.

Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã mua lại 27.458 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong năm 2025, ước tính sẽ có khoảng 216.670 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 120.640 tỷ đồng, tương đương 55,6%.

Đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%

Trong năm 2024, CPI bình quân tăng 3,63% so với năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Để đạt được thành công trong kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng tăng cường vào điều hành giá, quản lý giá.

Theo đại diện Bộ Tài chính, năm 2025 còn tiềm ẩn nhiều yếu tố tạo áp lực lên lạm phát, Bộ sẽ tập trung nâng cao tổng hợp, phân tích dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Năm 2025, một số nhóm mặt hàng có thể tăng giá lương thực, nhiên liệu, vật liệu nhập khẩu có thể tăng giá theo thế giới, biến động của tỷ giá có thể ảnh hưởng tới chi phí sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang thực hiện lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa do Nhà nước quản lý như giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục theo hướng tính đúng, tính đủ… Đây là các yếu tố có thể làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào công tác dự báo đạt hiệu quả cao nhất để đưa ra các giải pháp.

Năm 2025, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chủ động dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức 4,5% như Quốc hội đề ra.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MoTIE) và Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc trong năm 2024, sau Trung Quốc và Mỹ.

Theo thống kê, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 86,7 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đạt 58,3 tỷ USD, tăng 9,1%, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam đạt 28,4 tỷ USD, tăng 9,6%.

Tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 9,3%, vượt trội hơn các đối tác lớn khác như Mỹ (6,9%), Trung Quốc (1,9%) và Nhật Bản (1,1%). Cán cân thương mại nghiêng về Hàn Quốc với thặng dư 29,9 tỷ USD, tăng 2,3 tỷ USD so với năm trước.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Phạm Bạch Long với “cú đúp” giải thưởng sáng tạo trí tuệ

Vượt qua hơn 100.000 học sinh từ 34 quốc gia, Phạm Bạch Long - học sinh lớp 7, Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội cùng đồng đội xuất sắc đoạt giải Ba cuộc thi Enjoy AI Olympic 2024 diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Tin liên quan