Kinhtedothi – Giá vàng đồng loạt lao dốc; trái phiếu doanh nghiệp phát hành 10 tháng vượt cả năm; giá vé máy bay Tết tăng cao… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 11/11.
Giá vé máy bay Tết tăng cao
Dù gần 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng giá vé máy bay đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Giá vé chênh khoảng 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/vé.
Cụ thể, ở chặng bay TP Hồ Chí Minh – Hà Nội, các hãng Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Bamboo Airways có giá vé khứ hồi dao động từ 6,8-7,3 triệu đồng.
Đối với chặng bay TP Hồ Chí Minh – Quy Nhơn, giá vé rẻ nhất là 5,5 triệu đồng của Vietjet Air, Vietravel Airlines, Bamboo Airways và cao nhất là 10 triệu đồng nếu bay Vietnam Airlines.
Với chặng TP Hồ Chí Minh – Thanh Hóa, vé khứ hồi có mức giá rẻ nhất là 7,3 triệu đồng của Vietjet Air và 10 triệu đồng nếu bay Vietnam Airlines.
Giá vàng đồng loạt lao dốc
Giá vàng thế giới trong ngày 11/11 giao ngay ở mức 2.670,37 USD/ounce, giảm 0,5% so với phiên trước.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 11/11, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mức 81,9 – 85,4 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên trước đó.
Giá vàng miếng DOJI niêm yết ở mức 81,9 – 85,4 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên trước đó.
Giá vàng nhẫn tại SJC niêm yết giá nhẫn trơn 81,9 – 84,4 triệu đồng, giảm 100.000 đồng chiều mua và 500.000 đồng chiều bán so với phiên trước đó.
Tại PNJ niêm yết giá nhẫn trơn 83,1 – 84,9 triệu đồng, giảm 300.000 đồng cả chiều mua vào và bán ra so với phiên trước đó.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành 10 tháng vượt cả năm
Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới nhất của Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), lượng phát hành trái phiếu mới trong tháng 10/2024 chỉ đạt 28.100 tỷ đồng, giảm một nửa so với mức 56.200 tỷ đồng của tháng 9.
Các ngân hàng thương mại chiếm phần lớn đợt phát hành mới, với 15.800 tỷ đồng, trong đó 20% là trái phiếu cấp 2 – trái phiếu mà ngân hàng phát hành nhằm tăng vốn phục vụ cho các hoạt động khác, do các ngân hàng như: VietinBank, TPBank, LPBank và Bac A Bank phát hành. Trái phiếu cấp 2 này có kỳ hạn 7-15 năm, lãi suất 6,5%-7,9% năm đầu.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, lượng phát hành trái phiếu mới đã đạt con số 366.000 tỷ đồng, cao hơn tổng mức phát hành của cả năm 2023.
Người Việt được dự báo sẽ tăng chi tiêu trong năm 2025
Theo khảo sát Người tiêu dùng tại châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 của PwC (Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới), những kết quả chính của Việt Nam cho thấy, trong 12 tháng tới, 63% người tiêu dùng dự kiến sẽ gia tăng chi tiêu cho mặt hàng nhu yếu phẩm, tiếp theo là quần áo (52%) và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (48%).
Cuộc khảo sát thăm dò ý kiến của hơn 7.000 người tiêu dùng trong khu vực, trong đó có 515 người đến từ Việt Nam, cũng cho thấy rằng lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với đại đa số (63%) người tiêu dùng Việt trong 12 tháng tới.
Người tiêu dùng chỉ sẵn sàng gắn bó với những thương hiệu mà họ thực sự tin tưởng. Do đó, các doanh nghiệp cần biết cách xây dựng niềm tin trên mọi phương diện và hình thành các mối liên kết bền vững với người tiêu dùng.
Việt Nam đứng thứ 22 về xuất khẩu gạo sang Anh quốc
Bộ Công thương cho biết, mặc dù Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với sản lượng trên 8 triệu tấn/năm, nhưng xuất khẩu gạo Việt sang Anh quốc hiện vẫn ở mức khiêm tốn với thị phần chỉ khoảng 0,2% và chỉ đứng thứ 22 trong các nhà xuất khẩu gạo lớn nhất vào Anh.
Trong khi đó, thị trường Anh có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn, với nhu cầu nhập khẩu trên 700.000 tấn/năm. Hiện gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh với các đối thủ dẫn đầu về xuất khẩu gạo sang Anh gồm Ấn Độ (22%), Pakistan (18%), Tây Ban Nha (11%), Italia (10,9%), Thái Lan (9,2%)….
Gạo Việt Nam ở Anh chủ yếu được bán cho cộng đồng người Việt Nam và một phần cộng đồng người Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Theo kinhtedothi.vn