Tại Khu tưởng niệm đồng chí Lý Tự Trọng ở xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang diễn ra triển lãm về những tư liệu, hiện vật gắn bó với cuộc đời cách mạng sáng ngời của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên.
Nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, từ ngày 18-20/10 tại Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) diễn ra triển lãm ảnh về chân dung, cuộc đời đồng chí Lý Tự Trọng.
Tại triển lãm, gần 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử được trưng bày, trong đó có nhiều hình ảnh và tài liệu hiện vật mới được sưu tầm, phát hiện.
Nội dung triển lãm bao gồm 3 phần: Nơi sinh, quê hương và gia đình; Quá trình hoạt động cách mạng; Tuổi trẻ Việt Nam tiếp bước con đường cách mạng Lý Tự Trọng.
Triển lãm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng lòng tin cho tuổi trẻ Việt Nam về con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh cho biết, với gần 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, trong đó có nhiều hình ảnh và tài liệu hiện vật mới được sưu tầm, phát hiện, lần đầu tiên được trưng bày, triển lãm góp phần làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp, tinh thần cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng.
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914. Đồng chí sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, có cha là cụ Lê Hữu Đạt (còn được gọi là Lê Khoan) quê ở làng Kẻ Vẹt (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và mẹ là cụ Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trước cảnh áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, gia đình Lý Tự Trọng rời quê hương sang sinh sống tại Bản Mạy, thuộc tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan và tham gia hoạt động yêu nước.
Đồng chí Lý Tự Trọng là người thuộc lớp học trò đầu tiên được Bác Hồ truyền thụ về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, về những vấn đề trọng tâm của cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam và phương pháp vận động cách mạng.
Truyền thống gia đình, truyền thống quê hương, đất nước, môi trường giáo dục và ý chí tự lực, tự cường đã hợp thành tinh thần cách mạng kiên cường của đồng chí Lý Tự Trọng. Với tinh thần đó, đồng chí đã dõng dạc tuyên bố trước Tòa án của thực dân Pháp: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Rời gia đình khi chỉ mới 11 tuổi để bắt đầu hành trình của một người cách mạng trẻ tuổi. Tại trụ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí đã tích cực tham gia học tập, tham gia những hoạt động như tham quan thực tế. Dù tuổi còn nhỏ nhưng sự nỗ lực và tinh thần cầu tiến, ý thức trách nhiệm của đồng chí đã được Bác Hồ và nhiều chiến sĩ cách mạng đàn anh như: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Trần Phú… đánh giá cao.
Giữa năm 1925, đồng chí Hồ Tùng Mậu – thành viên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa, và truyền đạt yêu cầu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về việc chọn một số con em gia đình Việt kiều yêu nước, đưa sang Quảng Châu đào tạo lâu dài để chuẩn bị xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam.
Lê Hữu Trọng là một trong 8 thiếu niên được lựa chọn. Đến Quảng Châu, nhóm thiếu niên này được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (lúc này mang tên Lý Thụy) trực tiếp giáo dục, rèn luyện trưởng thành. Để đảm bảo bí mật, các thiếu niên đều mang họ Lý coi như người trong một gia tộc, và Lê Hữu Trọng đổi tên thành Lý Tự Trọng. Đồng chí cùng nhóm thiếu niên được đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Sau thời gian học tập, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu.
Giữa năm 1929, anh được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn – Chợ Lớn, tham gia nhiều hoạt động cách mạng, đồng thời, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ. Lý Tự Trọng được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đặc biệt nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn – Chợ Lớn để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lý Tự Trọng đã không ngần ngại xung phong nhận những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm như liên lạc, chuyển tài liệu, tổ chức các cuộc mít tinh, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo… Công việc này không hề đơn giản nhưng với lòng nhiệt huyết và ý chí quyết tâm, đồng chí Lý Tự Trọng đã thu hút được nhiều người tham gia thông qua các hội nhóm thanh niên.
Đồng chí bị thực dân Pháp bắt vào năm 1931. Dù bị tra tấn vô cùng dã man, nhưng Lý Tự Trọng vẫn một lòng kiên trung, không khai bất cứ thông tin gì. Lý Tự Trọng bị kết án tử hình khi chưa đầy 17 tuổi. Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Mặc dù bị xiềng xích nhưng hàng ngày đồng chí vẫn tập thể dục, đọc Truyện Kiều, động viên các bạn trẻ nêu cao ý chí cách mạng. Khí phách hiên ngang của đồng chí đã làm cho bọn cai ngục phải khâm phục, kinh ngạc, và gọi đồng chí là “Ông nhỏ”.
Cuộc đời của đồng chí Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi, nhưng tinh thần cách mạng của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên trở thành tấm gương chói lọi cho các thế hệ thanh niên noi theo. Tinh thần và chí khí của đồng chí đã trở thành biểu tượng sáng ngời, thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên, thanh niên.
Câu nói bất hủ của đồng chí trước Tòa án đại hình: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác…”, trở thành lý tưởng sống và kim chỉ nam hành động cho các thế hệ thanh niên Việt Nam trong mọi thời kỳ.
Theo Congly.vn