Sáng ngày 1/7, trong không khí cả nước đồng loạt bắt tay vào công việc sau đợt sắp xếp lại các đơn vị hành chính, xã biên giới Bờ Y (tỉnh Quảng Ngãi) đã chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Không khí làm việc tại xã nằm ở ngã ba biên này diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, với sự vào cuộc đồng bộ của đội ngũ cán bộ và sự đồng lòng của người dân.
Xã Bờ Y là đơn vị hành chính mới được hợp nhất từ ba đơn vị cũ gồm thị trấn Plei Kần, xã Đăk Xú và xã Bờ Y, trước đây thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Sau khi sáp nhập, xã Bờ Y có diện tích hơn 242km² – một trong những xã có diện tích lớn, có vị trí địa lý hết sức đặc biệt, được gọi là “Ngã ba Đông Dương”, tiếp giáp với Lào và Campuchia. Việc tổ chức lại bộ máy hành chính tại địa phương đặc thù này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản.

Ngay từ cuối tháng 6/2025, các công tác chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc tiếp dân và giải quyết thủ tục hành chính đã được Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Bờ Y hoàn tất.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng – phụ trách Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Bờ Y, không gian làm việc được bố trí khoa học, thông thoáng, đảm bảo điều kiện làm việc tốt cho cán bộ cũng như phục vụ người dân hiệu quả ngay từ ngày đầu vận hành theo mô hình mới.
Ghi nhận của phóng viên vào sáng 1/7 cho thấy, ngay từ 7 giờ 30 phút, đông đảo người dân và doanh nghiệp đã có mặt tại Trung tâm để thực hiện các thủ tục hành chính.
Các lĩnh vực được quan tâm chủ yếu gồm địa chính, đất đai, tư pháp, hộ tịch, quy hoạch và xây dựng. Dù vẫn còn không ít người dân bỡ ngỡ do thay đổi tên đơn vị hành chính và quy trình mới, nhưng nhìn chung công tác tiếp dân diễn ra thuận lợi.

Ông Hoàng Hữu Sửu (người dân xã Sa Loong, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ, ông đã điền sai địa chỉ hành chính do thói quen cũ khi làm thủ tục thừa kế đất. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ hướng dẫn tận tình, ông nhanh chóng hoàn tất thủ tục.
“Tôi thấy các cán bộ rất nhiệt tình, chu đáo. Nếu đến lần hai chắc chắn sẽ quen với thủ tục mới. Làm hành chính giờ nhanh, mà cũng không phải đi lại nhiều nơi”, ông Sửu nói.
Theo bà Y Lan – Chủ tịch UBND xã Bờ Y, địa phương đã xây dựng kế hoạch chi tiết từ sớm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn trong quá trình chuyển tiếp. Việc sắp xếp trụ sở, bố trí cán bộ, tổ chức bộ máy diễn ra bài bản, không gây xáo trộn cuộc sống người dân và giữ được nhịp độ làm việc của chính quyền địa phương.

“Chúng tôi xác định rõ việc tổ chức mô hình chính quyền hai cấp không chỉ là thay đổi về cơ cấu hành chính, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Chính vì vậy, từng cán bộ, từng phòng ban đều phải có sự chuẩn bị kỹ càng, chủ động nắm bắt công việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm”, bà Y Lan nhấn mạnh.
Thời gian tới, chính quyền xã Bờ Y đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ mô hình chính quyền hai cấp, tránh nhầm lẫn khi thực hiện các thủ tục hành chính. Song song với đó, xã cũng tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa dữ liệu hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến, hướng tới chính quyền điện tử thân thiện và hiệu quả.
Sự kiện xã Bờ Y, một địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới trọng yếu, vận hành ổn định và hiệu quả trong ngày làm việc đầu tiên theo mô hình mới mang nhiều ý nghĩa. Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, mà còn là bước tiến trong việc nâng cao chất lượng quản trị Nhà nước ở cấp cơ sở.
Trong điều kiện địa lý đặc biệt, đặc thù vùng biên giới, việc tổ chức hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp tại xã Bờ Y là minh chứng rõ ràng cho tinh thần quyết tâm đổi mới, vì dân phục vụ của cả hệ thống chính trị địa phương.
Với sự đồng thuận cao từ cán bộ đến người dân, xã Bờ Y đang từng bước chuyển mình, vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới, nơi mà mọi thủ tục hành chính đều lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo.
Theo Congly.vn