Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
17 C
Hanoi
Thứ hai, 23/12/2024, 10:43

Về cội nguồn thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Cao Bằng miền quê của cội nguồn cách mạng Việt Nam. Không chỉ giữ vị trí kinh tế, chính trị, quốc phòng đặc biệt quan trọng ở dải biên cương phía Bắc Tổ quốc, được biết đến với vẻ đẹp núi non đại ngàn, thiên nhiên hùng vĩ, Cao Bằng còn là vùng đất có một bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc, mang đậm dấu ấn của lịch sử cách mạng. 80 năm trước, cũng chính nơi đây đã ra đời đội quân kiên cường Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Dấu mốc lịch sử

Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; xây dựng Cao Bằng trở thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước.

Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng làm đại bản doanh đầu tiên của cách mạng nước ta, mảnh đất biên cương này đã chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng gắn liền với tên tuổi và hình ảnh của Người, gắn liền với lịch sử vẻ vang của đất nước Việt Nam liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc. Nhân dân Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, từ ngày Bác về, truyền thống ấy được khơi dậy mạnh mẽ. Nhân dân theo lời dạy của Già Thu, Ông Ké làm cách mạng để giải phóng mình và góp phần giải phóng Tổ quốc.

cb1-3-.jpg
Ngày 22-12-1944, tại khu rừng nằm giữa tổng Hoàng Hoa Thám và tổng Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. (ảnh tư liệu)

Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Tháng 8/1944, Trung ương Ðảng kêu gọi nhân dân “cầm vũ khí, đuổi thù chung”, không khí khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Cuối năm 1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó sau hơn 2 năm bị chính quyền Quốc dân Đảng Trung Quốc giam giữ. Sau khi nghe báo cáo tình hình và chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang của Liên Tỉnh ủy, Người phân tích và nhận định: “Cuộc đấu tranh bây giờ phải là từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song, hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”. “Hình thức thích hợp” lúc bấy giờ, theo Người là thành lập “đội quân giải phóng” – đội quân chủ lực đầu tiên- Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (ĐVNTTGPQ).

Để thực hiện phương châm hoạt động mới, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Vũ Anh, Lê Quảng Ba nghiên cứu thành lập ĐVNTTGPQ. Với tính chất quan trọng của đội quân này, việc lựa chọn đội viên được tiến hành hết sức cẩn trọng. Sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng nói chung, Cao Bằng nói riêng là một trong những cơ sở quan trọng để “chọn trong hàng ngũ du kích Cao – Bắc – Lạng, số cán bộ và đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực”.

Chấp hành chỉ thị của Người và sự chỉ đạo của Trung ương, với sự chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo về mọi mặt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, ĐVNTTGPQ được thành lập. Nơi đây có địa thế hiểm yếu “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” và là vùng đất có cơ sở chính trị tốt, nhân dân các dân tộc một lòng, một dạ thủy chung son sắt với cách mạng. Đội gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng (đồng chí Xích Thắng tức Dương Mạc Thạch làm chính trị viên). Sự kiện ĐVNTTGPQ – Đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập trên mảnh đất quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng cũng như sự có mặt của 25 con em các dân tộc của tỉnh trong đội ngũ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội đã phần nào nói lên cống hiến to lớn của mảnh đất và con người Cao Bằng đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

cb1-8-.jpg
Lễ công bố, trao quyết định kết nạp lớp Đảng viên Chào mừng Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại khu rừng Trần Hưng Đạo

Chỉ hai ngày sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, ĐVNTTGPQ lập được chiến công vang dội. Trong 2 ngày 25, 26/12/1944, Đội tiến công tiêu diệt gọn 2 đồn Phai Khắt, Nà Ngần, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội” và hạ quyết tâm “trận đầu nhất định phải thắng lợi”, mở đầu truyền thống “quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

80 năm trước, dưới sự đùm bọc, chở che của đồng bào người Dao, người Tày, Nùng… Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim), huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ngày 22-12-1944, tại khu rừng nằm giữa tổng Hoàng Hoa Thám và tổng Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ đó, ngày 22-12 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đội quân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Di tích đồn Phai Khắt nằm ở trung tâm xã Tam Kim vẫn được chính quyền, nhân dân giữ nguyên vẹn như 80 năm trước, dù xung quanh là khu phố chợ khá nhộn nhịp. Trong hồi ký “Từ nhân dân mà ra” Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Làng Phai Khắt thuộc xã Tam Lộng có khoảng mươi nóc nhà, nằm bên cạnh một con suối, phía trước là cánh đồng rộng, sau lưng là những núi đồi lúp xúp. Đây là một làng “hoàn toàn”, tức là một làng mà tất cả nhân dân đều tham gia các hội cứu quốc. Từ ngày địch khủng bố đến nay, không một ai bị địch lung lạc, lôi kéo. Đồng bào vẫn giữ liên lạc và tích cực tiếp tế lương thực cho các cán bộ hoạt động bí mật. Địch đã chiếm nhà đồng chí Lạc để đóng quân…”

Màu xanh của rừng Trần Hưng Đạo hòa cùng màu xanh của những vườn ngô, ruộng lúa, rau màu, cây ăn trái. Sức sống mới đang hiện rõ ở vùng quê cách mạng bằng sự cố gắng, nỗ lực của những người dân nơi đây, và đó cũng chính là thành quả mà thế hệ cha ông năm xưa cùng góp công, góp sức xây dựng nên trên mảnh đất này…

cb1-4-.jpg
Tại miền quê cách mạng huyện Nguyên Bình, đồng chí Trần Đức Vinh, Tổng Biên tập Báo Công lý đã trao tặng kinh phí xây dựng 7 căn nhà cho bà con sau cơn bão Yagi
cb1-5-.jpg
Đồng chí Tổng biên tập Báo Công lý Trần Đức Vinh, cùng cán bộ phóng viên, lãnh đạo huyện Nguyên Bình thăm di tích rừng Trần Hưng Đạo nơi ra đời Quân đội Nhân dân Việt Nam

Sự ra đời của ĐVNTTGPQ là một bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng của dân tộc ta. Từ đây, cách mạng Việt Nam xuất hiện ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân: ĐVNTTGPQ là đội quân chủ lực, các đội vũ trang ở các châu và các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; một quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Vẹn nguyên lời thề của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Ngày 22/12/1944, dưới chân núi Slam Cao trong khu rừng Trần Hưng Đạo, tại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, 34 chiến sỹ hô vang 10 lời thề danh dự, đánh dấu sự ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

“Lời thề Nguyên Bình” năm đó luôn được lớp lớp cán bộ, chiến sỹ gìn giữ, khắc ghi bởi đó là sức mạnh, là nền tảng để quân đội ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành…

10-loi-the.jpg
10 lời thề danh dự được các đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đọc tại Lễ thành lập 22/12/1944

Trong cuốn hồi ký “Từ nhân dân mà ra”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người trực tiếp thảo 10 lời thề danh dự đã ghi lại khoảnh khắc ấy: “Đứng dưới cờ, lòng tràn đầy tin tưởng, chúng tôi đồng thanh đọc mười lời thề danh dự: “Chúng tôi, đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao năm cánh”…. Sau từng lời thề, những tiếng hô “Xin thề!” lại đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động cả khu rừng. Tâm tư của chúng tôi trong những giờ phút thiêng liêng đó thực khó tả. Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc bỗng hiện ra rực rỡ trong ký ức. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp, làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên. Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù. Tin tưởng, náo nức, cảm động”…

cb1-9-.jpg
Lãnh đạo, cán bộ, nhân dân và thế hệ trẻ tỉnh Cao Bằng luôn ra sức nỗ lực cố gắng

Tại Hội nghị dân quân, tự vệ, du kích toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên ngày 24/5/1947, Tổng Quân ủy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam đã công bố Sắc lệnh của Chính phủ ban hành “Mười lời thề danh dự” và “Mười hai điều kỷ luật dân vận” của đội viên dân quân, tự vệ và du kích. Kế đó, lễ tuyên thệ diễn ra. Mười lời thề danh dự đã được chính đồng chí Võ Nguyên Giáp long trọng đọc vang lên cùng những cánh tay vung lên đầy sắt đá hô vang: Xin thề… Xin thề.

Hồn cốt của 10 lời thề, đó là trung thành tuyệt đối với Đất nước, với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh dưới lá cờ vẻ vang của Tổ quốc. Đó là nguồn sức mạnh thiêng liêng, khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến, quyết thắng, không ngại hy sinh, gian khổ quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền của tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

Xứng đáng với lời thề đó, từ một đội quân với 34 chiến sỹ, quân đội ta đã từng bước xây dựng, trưởng thành. Giờ đây, dưới chân dãy Slam Cao, 10 lời thề danh dự được khắc trang trọng trên tấm bia di tích nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tự hào là nơi khai sinh ra đội quân chủ lực đầu tiên, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền luôn được Đảng bộ tỉnh Cao Bằng thực hiện tốt, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng. Thành quả cách mạng của quân và dân các dân tộc trong tỉnh được giữ vững trong các giai đoạn chính là nhờ Đảng bộ tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, lãnh đạo nhân dân khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

“Mười lời thề danh dự” tại Lễ thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

1 – Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát-xít

Nhật – Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.

2 – Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì, sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.

3 – Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.

4 – Lúc nào cũng khẩn trương, hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc cứu nước.

5 – Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.

6 – Khi ra trận nếu bị quân địch bắt được, thì dù cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.

7 – Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.

8 – Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng hay rơi vào tay quân thù.

9 – Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: không lấy của dân – không dọa nạt dân – không quấy nhiễu dân và ba điều nên: Kính trọng dân – giúp đỡ dân – bảo vệ dân, để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí, giết giặc cứu nước.

10 – Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và quốc thể của Việt Nam.

Theo Congly.vn

Mới nhất

Những lời chúc Giáng sinh hay, ý nghĩa cho mùa Noel

Noel là thời điểm để chúng ta trao tặng những lời chúc Giáng sinh ý nghĩa tới bố mẹ, anh chị, bạn bè hay những người thân yêu... Một lời chúc không chỉ mang đến ý nghĩa, mong muốn người khác có được may mắn, an lành mà nó còn chứa đựng tình cảm của bạn...

Tin liên quan