Thứ Hai, Tháng 1 27, 2025
18 C
Hanoi
Thứ Hai, 27/01/2025, 15:25

Về ngôi làng ở Hà Nội sản xuất hơn 1 triệu bánh chưng phục vụ Tết

Làng nghề Tranh Khúc ở xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) nổi tiếng trăm năm với nghề làm bánh chưng truyền thống. Công việc kéo dài trong cả năm, nhưng tất bật nhất là 10 ngày cận Tết.

Về làng Tranh Khúc những ngày cuối năm, sẽ cảm nhận thấy rõ không khí lao động tất bật của các hộ dân. Đây là thời điểm ngôi làng nhộn nhịp nhất trong năm.

Bà Đặng Thị Thảo, chủ cơ sở sản xuất bánh chưng Điềm Thảo (xã Duyên Hà) cho biết gia đình đã có nhiều thế hệ làm bánh chưng. Để chuẩn bị cho vụ bánh chưng Tết, bà phải đặt mua lá dong từ trước đó hơn 1 tháng.

Nghề làm bánh chưng ngày Tết ở làng Tranh Khúc đã có từ rất lâu đời.
Nghề làm bánh chưng ngày Tết ở làng Tranh Khúc đã có từ rất lâu đời.

Đôi tay gói bánh nhanh thoăn thoắt, bà Thảo bảo, đến nay đã có hơn 45 năm thuần thục với lá dong, gạo và đỗ. Có lẽ vậy mà bà chỉ mất khoảng 20 giây để gói xong 1 chiếc bánh. “Đang dịp cao điểm phục vụ Tết, mỗi ngày chúng tôi phân phối ra thị trường khoảng hơn 1.000 chiếc bánh chưng…” – bà Thảo cho biết thêm.

Vụ bánh chưng của làng nghề Tranh Khúc thường bắt đầu từ ngày 20 đến 29, 30 tháng Chạp. Ra Tết, khoảng mùng 3 đến 15 tháng Giêng, người dân sản xuất trở lại phục vụ lễ hội. Song, tiêu thụ lượng lớn sản phẩm vẫn là dịp Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu, một trong những hộ dân đã gắn bó lâu nhất với nghề làm bánh chưng ở làng Tranh Khúc chia sẻ, vào những ngày này, cả làng sôi động như một “công trường”, người rửa lá dong, người vo gạo, người gói…

“Dù tất bật nhưng ai cũng vui. Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này, gia đình tôi cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 chiếc bánh chưng…” – bà Thu nói thêm.

Nguyên liệu chính để làm ra những chiếc bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng.
Nguyên liệu chính để làm ra những chiếc bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Văn Mão, vụ bánh chưng Tết năm nay bắt đầu từ ngày 10 đến 29 tháng Chạp (năm nay không có ngày 30 tháng Chạp – PV).

Trung bình mỗi hộ gói từ 10.000 đến 15.000 bánh chưng, nên ước tính, sản lượng cung cấp cho thị trường có thể đạt hơn 1 triệu chiếc. Trong đó, khoảng 70% phục vụ khách hàng tại Hà Nội; 30% lượng bán cho các tỉnh, TP và phục vụ xuất khẩu.

Để nâng cao năng suất, chất lượng của những chiếc bánh chưng, những năm gần đây, người dân làng Tranh Khúc đã ít dùng củi khô để nấu bánh. Thay vào đó, các hộ làm nghề đầu tư nồi điện, nồi hơi…

Dù bằng chất đốt nào thì theo các hộ dân “có nghề” ở làng Tranh Khúc, thời gian nấu bánh vẫn phải bảo đảm từ 10 – 12 tiếng. Có như vậy hạt gạo mới mềm dẻo, nhừ quyện với nhân tạo hương vị thơm ngon, đậm đà, béo ngậy…

Với chất lượng được khẳng định, bánh chưng Tranh Khúc được người tiêu dùng Thủ đô cũng như trong và ngoài nước biết đến. Chính quyền xã Duyên Hà cũng khuyến khích các hộ sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đến nay, trên địa bàn xã Duyên Hà đã có 3 cơ sở sản xuất bánh chưng có sản phẩm được UBND TP Hà Nội công nhận OCOP, trong đó một hộ có bánh đạt OCOP 4 sao. Điều này thêm một lần nữa khẳng định chất lượng của bánh chưng Tranh Khúc nức tiếng đất Hà Thành.

 

Làng Tranh Khúc được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2011. Bánh chưng Tranh Khúc đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể, được cung cấp hệ thống mã vạch riêng. Chính quyền xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) hỗ trợ người dân xây dựng website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng trực tuyến.

#box1737800937399:before,#box1737800937399:after{background-color:#d79898}

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Rực rỡ sắc Xuân chợ hoa Tết tại Sóc Trăng

Năm nay, thị trường hoa Tết Sóc Trăng lại một lần nữa chứng tỏ sức hút của mình với nhiều loài hoa khoe sắc, mang đến một không khí tươi vui, ấm áp khi Tết đến Xuân về.

Tin liên quan