Chủ Nhật, Tháng mười 27, 2024
21 C
Hanoi
Chủ Nhật, 27/10/2024, 20:16

Vì sao cần duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) là cần thiết để đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc, hài hòa được lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Giảm biên độ biến động giá xăng, kìm chế lạm phát

PGS.TS Định Trọng Thịnh cho hay, trên thực tế, hiện nay chưa thể bỏ Quỹ BOG bởi nhiều nguyên nhân. Trước tiên, khi giá thế giới biến động, nếu không có quỹ này giá xăng dầu trong nước sẽ tăng cao gây áp lực rất lớn cho lạm phát.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra bể chứa tại một cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Ảnh minh họa 
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra bể chứa tại một cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Ảnh minh họa 

Đáng nói, dù đã tự lực sản xuất được xăng dầu, song hiện nguồn cung trong nước chỉ có thể cung ứng được hơn 40% nhu cầu sử dụng. Để bỏ Quỹ BOG đòi hỏi phải chủ động, tự chủ hoàn toàn trong hoạt động sản xuất ,kinh doanh xăng dầu thì mới có thể an tâm trong vấn đề an toàn và an ninh năng lượng. Khi đó, giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường một cách đúng nghĩa, giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới thì sẽ bãi bỏ quỹ này.

Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, cơ quan quản lý cần điều tiết việc xả Quỹ BOG thế nào cho hợp lý? Cơ chế quản lý ra sao? Các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh bán buôn và bán lẻ đến đâu? 

Tôi cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ BOG. Trước hết cần tận dụng hiệu quả của việc xuất hóa đơn từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan thuế để cung cấp thông tin đầy đủ, công khai minh bạch trong việc sử dụng quỹ này” – PSG. TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.

Đồng quan điểm cần tiếp tục duy trì Quỹ BOG, PGS. TS Ngô Trí Long đề xuất: Nhà nước cần có quy định cụ thể để trích lập và chi sử dụng quỹ, đảm bảo kịp thời, thuận tiện trong trường hợp chi sử dụng Quỹ BOG nhưng không làm ảnh hưởng đến vốn của doanh nghiệp. Về lâu dài, khi Nhà nước có hạ tầng dự trữ quốc gia, có thể tính tới việc sử dụng quỹ vào dự phòng xăng dầu để can thiệp vào thị trường khi cần thiết.

Duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo Luật Giá

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, cơ quan soạn thảo (Bộ Công Thương và Bộ Tài chính) điều hành Quỹ BOG theo quy định của Luật Giá là hợp lý. Theo TS Nguyễn Tiến Thỏa, xăng dầu hiện nay vẫn là mặt hàng quan trọng có tính chiến lược với sản xuất và an sinh xã hội và đang được Nhà nước quản lý chặt chẽ, nên rất cần thận trọng trong việc triển khai các phương thức quản lý, kinh doanh. Đặc biệt, cần xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống khẩn cấp như gián đoạn nguồn cung hoặc biến động giá cực đoan.

Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ảnh minh họa
Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ảnh minh họa

Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, cùng với sớm ban hành Nghị định mới, Nhà nước nên cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng Quỹ BOG chi tiêu cá nhân, lạm dụng trục lợi. Bởi trên thực tế, nếu cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ làm công văn yêu cầu nộp tiền về, trong khi tiền quỹ đã bị chi tiêu vào mục đích khác, sẽ khó thu hồi.

“Quỹ BOG cần kiểm tra toàn diện, bất kỳ lúc nào cũng phải tăng cường kiểm tra kiểm soát. Nếu doanh nghiệp không có báo cáo, cần có biện pháp xử lý ngay. Khi được yêu cầu sao kê tài khoản mà không chứng minh tài khoản cụ thể, tức là báo cáo không trung thực, cần có biện pháp xử lý khác. Đặc biệt khi đã nhiều lần yêu cầu mà doanh nghiệp không báo cáo đầy đủ, cơ quan chức năng phải kiểm tra ngay để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời” – PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý.

Tại dự thảo Nghị định mới nhất (thay thế các Nghị định cũ), Bộ Công Thương đã không bỏ Quỹ BOG. Dự thảo quy định việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) do Luật Giá đã quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá.

Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến về công bố giá xăng dầu; cơ chế điều hành giá xăng dầu; xử lý số dư Quỹ BOG; nguồn kinh phí phục vụ mua thông tin giá sản phẩm xăng dầu thế giới để làm căn cứ cho các thương nhân đầu mối thực hiện tính toán; nhiệm vụ khi nhận chuyển giao từ Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, cùng với khí đốt và điện, được xem như “bánh mì” của nền kinh tế. Chính vì vậy, xăng dầu được xác định là mặt hàng kinh doanh có điều kiện trong các văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay. “Điều kiện đặt ra ở đây là làm thế nào để vừa bảo đảm được cơ chế thị trường vừa bảo đảm được cơ chế quản lý của Nhà nước. Hay nói khác là vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Về xử lý số dư của Quỹ BOG, theo phương án được nêu trong Dự thảo Nghị định mới, Bộ Công Thương nêu rõ: Quỹ BOG là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, không thể tự ý chuyển về ngân sách nhà nước hay đi làm việc khác. Do đó, cần thiết duy trì Quỹ BOG theo Luật Giá.

Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế – xã hội sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá, trích từ ngân sách ra để bình ổn, để hỗ trợ. Còn trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp tự cân đối, mọi thứ vận hành theo thị trường.

 

Hiện nay thị trường xăng dầu trong nước chưa hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường, có sự điều hành của Nhà nước thông qua giá cơ sở; cùng với đó, lượng dự trữ xăng, dầu của Việt Nam còn mỏng thì việc tiếp tục duy trì Quỹ BOG là cần thiết. Đây sẽ là công cụ nhằm thực hiện tốt vai trò điều hòa, góp phần giảm biên độ biến động giá.Từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và kiểm soát lạm phát.

TS Nguyễn Bích Lâm –  Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Mở cửa trở lại 4 sân bay tại miền Trung sau khi bão số 6 suy yếu

Sau khi bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và không còn gây ảnh hưởng lớn, Cục Hàng không Việt Nam quyết định mở cửa khai thác trở lại cho 4 sân bay tại khu vực miền Trung vào chiều 27/10, nhằm đảm bảo hoạt động bay đi và đến khu vực này.

Tin liên quan