Pháp luật quy định rất rõ về hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc các bậc phụ huynh giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện không chỉ thiếu trách nhiệm mà còn đẩy bản thân, con em mình vào rắc rối.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân dẫn đến số vụ tai nạn giao thông gia tăng có một phần do học sinh chưa đến tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, song phụ huynh vẫn giao xe cho con.
Trong khi đó pháp luật quy định rất cụ thể về mức xử phạt khi cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như mô tô tham gia giao thông. Tuy nhiên, do nuông chiều con cái, hoặc quá bận công việc không thể đưa, đón con đi học, thậm chí không hiểu biết các quy định của pháp luật nên cha mẹ vẫn “vô tư” giao xe cho con.
Trường hợp của chị Lê Thị Hằng, ở huyện Hoằng Hóa là một ví dụ. Do cả 2 vợ chồng đều làm công nhân ở Khu Công nghiệp Hoàng Long nên đi làm từ sáng sớm, đến chiều tối mới về. Việc đưa, đón con trai đang học lớp 8 (13 tuổi) không nhờ được ai nên vợ chồng chị mua cho con chiếc xe máy điện trị giá hơn 3 triệu đồng để cháu thuận tiện cho việc đi học ở trường.
Còn chị Nguyễn Thị Tuyết, ở huyện Quảng Xương lại thấy thương con trai phải đạp xe đi học cấp 3 cách nhà hơn 7km nên cho con mượn xe máy đến trường. “Vì nhà ở xa, trời lại nắng, có những hôm cháu về đến nhà đã hơn 12h trưa, ăn vội bát cơm lại đi học ca chiều. Mặc dù con chưa có bằng lái xe máy nhưng vì thương con nên tôi đành giao xe máy cho con đi học” – chị Tuyết nói.
Từ việc “vô tư” giao xe mô tô, xe gắn máy cho con khi chưa đủ tuổi, đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông dẫn đến nhiều vụ tai nạn đau lòng, khiến cho các bậc phụ huynh phải vướng vào vòng lao lý.
Luật sư Trinh Thị Tuấn (Công ty Luật Sao Việt) cho biết: Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng; đối với ô tô thì phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng.
Còn theo quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thiệt hại cho người khác: gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản, hoặc làm chết người… có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt tù cao nhất đến 7 năm tù.
Hiện nay, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh đang là vấn đề nhức nhối và để lại những hậu quả nặng nề đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm, trong đó có việc người lớn giao xe cho người chưa đủ tuổi thành niên điều khiển.
Theo thống kê, 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 694 vụ tai nạn giao thông, làm chết 291 người, bị thương 597 người; so cùng kỳ 2023 tăng 11 vụ, giảm 30 người chết, tăng 31 người bị thương.
Các vụ tai nạn liên quan đến học sinh xảy ra 113 vụ, làm 48 người chết, 144 người bị thương (trong đó 21 học sinh chết, 103 học sinh bị thương). Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động lập biên bản xử lý 88.425 trường hợp; tạm giữ 23.316 phương tiện, tước giấy phép lái xe, đăng ký 12.736 trường hợp, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 200 tỷ đồng, trong đó xử phạt học sinh vi phạm 5.248 trường hợp, với số tiền 3,8 tỷ đồng.
Qua đánh giá, 9 tháng năm 2024 tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn tăng về số người bị thương.
Các hành vi liên quan đến vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện bị xử phạt đều tăng về số trường hợp vi phạm so với 9 tháng năm 2023 và đây cũng là những nguyên nhân chính xảy ra tai nạn.
Hiện nay, các lực lượng chức năng đang tích cực phối hợp với nhiều đơn vị, chính quyền địa phương để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm giao thông.
Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường tuyên truyền luật Giao thông đường bộ cho lứa tuổi học sinh; vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển theo quy định của pháp luật; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các trường học được tham gia các hoạt động giáo dục pháp luật về an toàn giao thông… Tuy nhiên hiệu quả của các chương trình chưa cao.
Để tránh những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra đối với thanh thiếu niên và học sinh cha mẹ phải vướng vào vòng lao lý, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở, không giao xe cho con điều khiển tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện để tránh xảy ra điều đáng tiếc.
Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải cụ thể, rõ ràng để tác động hiệu quả trực tiếp đến đối tượng đặc thù là học sinh.
Qua đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần tích cực vào việc giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trên địa bàn.
Theo Congly.vn