Thứ Hai, Tháng 7 14, 2025

Viết tiếp “Hành trình Công lý và Trái tim” về miền đất lửa

Hành trình tri ân những “địa chỉ đỏ” không chỉ là chuyến đi về nguồn mà còn là dịp để những người làm báo Báo Công lý bày tỏ lòng biết ơn mà còn tích lũy thêm kiến thức, lòng yêu nghề và trách nhiệm xã hội, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc.

Ngày thứ 2, tiếp nối chuyến “Hành trình Công lý và Trái tim” về miền đất lửa miền Trung nhân dịp Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2025) và hướng tới 80 năm Ngày thành lập ngành Tòa án nhân dân (13/9/1945 – 13/9/2025), Đoàn công tác Báo Công lý do đồng chí Trần Đức Vinh – Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập làm Trưởng đoàn tiếp tục đến dâng hoa, dâng hương tại các “địa chỉ đỏ” – những di tích lịch sử cách mạng mang ý nghĩa sâu sắc, là minh chứng sống động cho tinh thần chiến đấu kiên cường và sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.

Sau khi rời Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, đến với Vũng Chùa – Đảo Yến để dâng hương viếng người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đoàn tiếp tục đến Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn…

hanh-trinh-tri-an-mien-trung-2-.jpg
Đoàn công tác Báo Công lý dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

Suốt 21 năm đất nước bị chia cắt (1954-1975), Quảng Trị trở thành chiến trường khốc liệt, nơi chứng kiến biết bao mất mát, đau thương. Thế nhưng, mảnh đất này cũng là biểu tượng của sự kiên cường, chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đi qua chiến tranh, Quảng Trị đã trở thành vùng đất thiêng, lưu giữ trong mình máu xương của biết bao người con ưu tú của Tổ quốc và dân tộc.

hanh-trinh-tri-an-mien-trung-4-.jpg
Đoàn Báo Công lý dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9
hanh-trinh-tri-an-mien-trung-7-.jpg
Tổng Biên tập Trần Đức Vinh cùng đồng chí Nguyễn Văn Quý, Phó Chánh án Tòa án khu vực 5 Quảng Trị và đồng chí Trần Minh Giang thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9.

Ở vùng đất thiêng này, từng nhành cây, ngọn cỏ, nắm đất luôn nhắc nhớ chúng tôi về 81 ngày đêm khốc liệt bảo vệ Thành cổ của những người lính trẻ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Dễ dàng nhận thấy, bất cứ ai khi bước chân vào Thành cổ đều khẽ bước thật nhẹ, bởi ai cũng hiểu rằng, dưới lớp cỏ xanh ấy là nơi yên nghỉ của biết bao Anh hùng liệt sĩ, những người đã hóa thành một phần trầm tích sâu dày, trở thành mạch nguồn để cỏ non Thành cổ mãi xanh tươi.

Không ở nơi đâu trên đất nước Việt Nam có nhiều nghĩa trang, nhiều mộ phần liệt sĩ như Quảng Trị, trong đó có hai nghĩa trang Quốc gia lớn nhất quy mô trên 10 nghìn phần mộ là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động, các cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên Báo Công lý đã thành kính dâng lên những nén hương thơm, như lời tri ân sâu sắc gửi tới các anh hùng liệt sĩ – những người đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình vì độc lập, tự do và sự thống nhất của đất nước.

hanh-trinh-tri-an-mien-trung-8-.jpg
Đoàn dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Tiếp tục hành trình, Đoàn đã đến Di tích lịch sử Quốc gia Hang Tám Cô Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Trị) nằm trên cung đường số 20 thuộc một phần của đường Trường Sơn huyền thoại.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, giữa mưa bom bão đạn ác liệt của quân thù, đã có hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến anh dũng hy sinh giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Để con đường luôn được thông suốt, kịp thời vận chuyển sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, máu của các anh, các chị đã đổ xuống, hòa vào lòng đất, cỏ cây Trường Sơn. Nhờ sự hy sinh ấy, Tổ quốc mới được thống nhất, non sông nối liền một dải; đất nước, dân tộc mới giành được độc lập, hòa bình; nhân dân mới có được cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc.

“Vạn thuở lưu danh hồn liệt sỹ

Ngàn đời tạc sử đất Trường Sơn”.

Với lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn, trong giờ phút trang nghiêm và xúc động, Đoàn kính cẩn nghiêng mình nhớ tới công ơn các anh hùng liệt sỹ. Cầu mong anh linh các anh hùng liệt sỹ phù hộ cho quốc thái dân an, nước nhà ngày càng phồn thịnh.

hanh-trinh-tri-an-1-.jpg
Hang Tám Cô là biểu tượng cho sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ Thanh niên xung phong.
hanh-trinh-tri-an-mien-trung-12-.jpg
Di tích lịch sử Hang Tám Cô, nơi Tiểu đội Thanh niên xung phong gồm 8 chiến sỹ (bốn nam và bốn nữ) hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Hang Tám Cô là một di tích lịch sử linh thiêng nằm trên tuyến đường 20 – Quyết Thắng, thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Trị). Đây là một trong những “tọa độ lửa” những năm 1971-1972. Nơi đây ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 8 thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi họ bị mắc kẹt trong hang do bom đạn ác liệt và không thể thoát ra ngoài. Ngày nay, Hang Tám Cô Quảng Bình không chỉ là một điểm đến lịch sử mà còn trở thành nơi hành hương của du khách thập phương, thể hiện lòng tri ân với những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

hanh-trinh-tri-an-2-.jpg
Tổng Biên tập Trần Đức Vinh chia sẻ về sự kiện 8 Thanh niên xung phong hy sinh ở Hang Tám Cô

“Luôn phải ghi nhớ, biết ơn và thấm nhuần sâu sắc những bài học từ sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng liệt sĩ. Đó không chỉ là sự tri ân đơn thuần mà còn là trọng trách của những người làm báo, phải kể lại những câu chuyện về quá khứ hào hùng, về những con người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân vì lý tưởng cao đẹp”, Tổng Biên tập Trần Đức Vinh chia sẻ.

Tham gia chuyến hành trình, phóng viên Thu Trang chia sẻ rằng, hành trình tri ân các Anh hùng liệt sĩ ở miền Trung đã để lại trong chị những cảm xúc sâu sắc, vượt xa một chuyến đi tác nghiệp thông thường. “Đó không chỉ là cơ hội để thu thập tư liệu, ghi lại những câu chuyện lịch sử, mà còn là một hành trình về nguồn đầy thiêng liêng, chạm đến trái tim và thức tỉnh lòng biết ơn trong mỗi chúng tôi”.

hanh-trinh-tri-an-mien-trung-10-.jpg
Đối với các thành viên trong đoàn, việc thắp nén hương thơm trên phần mộ các anh hùng liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự thôi thúc từ trái tim, thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Qua chuyến đi, mỗi điểm đến là một “địa chỉ đỏ” trên mảnh đất miền Trung anh dũng đã giúp chúng tôi – những người làm báo – không chỉ thu thập thêm tư liệu mà còn cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của hòa bình, tự do. Từ đó, ngọn lửa yêu nghề và tinh thần trách nhiệm xã hội trong mỗi chúng tôi càng được hun đúc, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử quý báu của dân tộc.

Chuyến hành trình “Công lý và Trái tim” về với miền Trung của Đoàn công tác Báo Công lý là một hoạt động giàu ý nghĩa, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, đây cũng là cách để nuôi dưỡng và lan tỏa ý thức trân trọng, bảo vệ và phát huy những giá trị lịch sử quý báu tới các thế hệ mai sau.

hanh-trinh-tri-an-mien-trung-3-.jpg
Đoàn công tác Báo Công lý tại Thành cổ Quảng Trị
hanh-trinh-tri-an-mien-trung-9-.jpg
Đoàn công tác Báo Công lý thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
hanh-trinh-tri-an-mien-trung-6-.jpg
hanh-trinh-tri-an-mien-trung-11-.jpg
Tập thể cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên bên vườn xoài do Báo Công lý trồng nằm trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
hanh-trinh-tri-an-mien-trung-1-.jpg
Đoàn công tác Báo Công lý tại Hang Tám Cô

Theo Congly.vn

- Advertisement -spot_img
Mới nhất

Bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng tích cực

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đã tích cực tái cấu trúc danh mục sản phẩm theo Nghị định 46, chuẩn hóa kênh phân phối, đẩy mạnh đầu tư công nghệ và triển khai nhiều hoạt động cộng đồng.
- Advertisement -spot_img

Tin liên quan

- Advertisement -spot_img