Việc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện hoặc chưa có giấy phép lái xe sẽ là tình tiết tăng nặng trong quá trình cơ quan chức năng xử lý vi phạm đối với người có lỗi.
Bạn đọc Nguyễn Long Trọng hỏi: Tôi đến thăm một người bạn và có đỗ xe ô tô sát vào lề đường, khu vực này không có biển cấm dừng, cấm đậu xe. Một lúc sau, tôi nhận được tin báo có người điều khiển xe máy tông vào phía sau khiến đuôi xe ô tô bị móp, phần kính sau bị vỡ và người đâm vào xe ô tô của tôi cũng bị thương.
Do không tìm được tiếng nói chung nên tôi nhờ công an giải quyết và được biết người đâm điều khiển xe mô tô tông vào xe của tôi là một thiếu niên sinh năm 2009, hiện nay cả hai phương tiện đang bị tạm giữ. Vậy trong vụ việc này, trách nhiệm của những người liên quan sẽ được giải quyết như thế nào?
Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) trả lời: Thông thường tại nạn giao thông hiện nay đều xuất phát từ “lỗi hỗn hợp” đến từ hai hoặc nhiều bên. Do vậy, với vụ tai nạn như nói trên, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra hiện trường, lập biên bản và xác định yếu tố lỗi của 2 bên.
Đối với xe ô tô sẽ xác định việc dừng đỗ đã đúng nơi quy định, vị trí đỗ xe có nằm trong phần đường xe chạy hay không, để xác định yếu tố lỗi của tài xế xe ô tô. Còn trường hợp thiếu niên sinh năm 2009 điều khiển xe mô tô có thiếu chú ý quan sát, có đi đúng tốc độ, có đi đúng phần đường, làn đường cho phương tiện xe máy không, đặc biệt là thiếu niên này có sử dụng rượu bia, chất kích thích không.
Nếu xác định xe ô tô không có lỗi và lỗi là do thiếu niên sinh năm 2009 thiếu chú ý quan sát, hoặc thiếu niên này có sử dụng rượu bia, chất kích thích, phóng nhanh vượt ẩu dẫn tới đâm vào ô tô thì thiếu niên này và gia đình phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ phương tiện xe ô tô.
Việc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện hoặc chưa có giấy phép lái xe sẽ là tình tiết tăng nặng trong quá trình cơ quan chắc năng xử lý vi phạm đối với người có lỗi.
Trong trường hợp xe ô tô cũng có lỗi do đỗ chiếm phần đường xe chạy được xác định một phần lỗi, thì xe ô tô chỉ được nhận phần bồi thường đối với phần lỗi do thiếu niên sinh năm 2009 gây ra, phần lỗi do mình gây ra sẽ không được bồi thường, thậm chí cũng phải bồi thường cho tài sản và sức khỏe của thiếu niên sinh năm 2009 bị ảnh hưởng.
Trường hợp này tài sản thiệt hại có thể sẽ chưa đến 100 triệu đồng nên không đặt ra trách nhiệm hình sự, nhưng bên nào có lỗi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi tương ứng.
Trường hợp phụ huynh của thiếu niên sinh năm 2009 có việc chủ động giao xe cho con chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe thì người này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao phương tiện cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô-tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 2 triệu đồng.
Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho chủ phương tiện.
Theo Congly.vn