Lợi dụng nhu cầu du lịch tăng cao, thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã giả mạo các công ty lữ hành, khách sạn để lừa đảo người dân qua mạng xã hội. Cục An ninh mạng & Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa phát đi cảnh báo, khuyến cáo đến người dân cần nêu cao cảnh giác.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, Cục An ninh mạng & Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vừa phát đi cảnh báo, đồng thời khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tránh rơi vào “bẫy” lừa đảo tinh vi này.

Mạo danh công ty du lịch uy tín với chiêu trò cũ – thủ đoạn mới
Theo đó, các đối tượng thường sử dụng Facebook, Zalo, Instagram, TikTok… để lập các fanpage, tài khoản cá nhân giả mạo tên gọi, logo, hình ảnh của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn nổi tiếng. Chúng đăng tải hàng loạt thông tin khuyến mãi như: “Combo du lịch 3N2Đ chỉ từ 999.000 đồng”, “Tour nghỉ dưỡng 5 sao giảm 60 – 70%”, “Ưu đãi đặt phòng 0 đồng – thanh toán sau”…
Bằng các nội dung hấp dẫn, hình ảnh sang trọng, đánh trúng tâm lý ham rẻ, sợ “cháy chỗ”, người dùng dễ dàng sập bẫy. Khi khách hàng liên hệ, các đối tượng ngay lập tức yêu cầu chuyển tiền đặt cọc hoặc thanh toán toàn bộ, hối thúc “giữ chỗ sớm”. Ngay sau khi nhận được tiền, chúng xóa bài, đổi tên trang, chặn liên hệ hoặc đóng tài khoản, khiến người bị hại không thể truy vết.
Đáng lo ngại, nhiều đối tượng còn mua lại fanpage cũ có lượng người theo dõi thật, rồi chuyển đổi sang kinh doanh du lịch giả mạo để tạo vỏ bọc “chuyên nghiệp”. Thậm chí, một số còn đầu tư chạy quảng cáo trả phí để tiếp cận người dùng, khiến thủ đoạn trở nên khó lường hơn.

Người dân cần làm gì để không trở thành nạn nhân?
Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Đây là thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ, kỹ thuật số để đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, để phòng tránh, người dân cần lưu ý không đặt tour, đặt phòng qua những trang mạng xã hội chưa được xác minh chính thống; luôn kiểm tra kỹ fanpage/tài khoản trước khi giao dịch, bao gồm: thời điểm tạo lập, lịch sử đổi tên, nguồn gốc quản trị viên, số điện thoại liên hệ, địa chỉ văn phòng…
Tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, chỉ giao dịch qua tài khoản doanh nghiệp có pháp lý rõ ràng. So sánh thông tin trên nhiều kênh khác nhau, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đặt dịch vụ. Ưu tiên giao dịch trên website chính thức, ứng dụng hoặc qua hotline công ty uy tín.
Ngoài ra, người dân cũng nên chủ động chụp ảnh màn hình, lưu giữ nội dung trao đổi, hóa đơn chuyển khoản để làm bằng chứng nếu xảy ra tranh chấp hoặc lừa đảo.
Trường hợp phát hiện trang web, fanpage hoặc tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan công an địa phương, hoặc gửi phản ánh qua Cổng thông tin tố giác tội phạm mạng của Bộ Công an. Tuyệt đối, không tự giải quyết hoặc lan truyền thông tin chưa kiểm chứng, tránh bị lợi dụng, tiếp tay cho hành vi xấu. Hiện Bộ Công an đang phối hợp với các nền tảng mạng xã hội và đơn vị liên quan để xác minh, gỡ bỏ các tài khoản giả mạo, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo công nghệ cao theo quy định pháp luật.
Đừng để “tour giá rẻ” biến thành cái bẫy mất tiền
Mỗi người tiêu dùng cần là một “lá chắn” tự bảo vệ mình trên không gian mạng. Hãy luôn tỉnh táo, kiểm tra kỹ thông tin, và đừng để những lời chào mời hấp dẫn che mờ lý trí. Như thông điệp từ cơ quan công an: “Tour giá rẻ thì có, nhưng không bao giờ có ‘giấc mơ du lịch’ bắt đầu bằng cú lừa”.
Theo Congly.vn